EIU: Việt Nam là một trong những địa điểm sản xuất cạnh tranh nhất châu Á - Thái Bình Dương
Việt Nam tiếp tục là trung tâm của các chuỗi cung ứng đang biến đổi và là một trong những địa điểm sản xuất cạnh tranh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - đây là nhận định của Bộ phận phân tích thông tin EIU trong một báo cáo đánh giá về Việt Nam công bố mới đây.
Trong Báo cáo với tựa đề "Ngôi sao đang lên: Vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng đang thay đổi tại châu Á", EIU đánh giá chi tiết về những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm thị trường lao động, các chính sách khuyến khích đầu tư và các mối quan hệ thương mại của Việt Nam.
Trong lĩnh vực lao động, EIU cho rằng tiền lương chi trả cho lao động tại Việt Nam sẽ không tăng nhanh tới mức gây tổn hại tới sự cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động kỹ năng sẽ là một hạn chế.
Trong lĩnh vực đầu tư, EIU cho rằng các nhà sản xuất công nghệ cao sẽ tiếp tục được hưởng những ưu đãi trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại và duy trì quan hệ tốt với các đối tác thương mại, giúp giảm chi phí giao thương của các doanh nghiệp.
Theo thông cáo của EIU, hiện có nhiều sự chú ý về Việt Nam như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung, nhưng cũng có đồn đoán rằng Việt Nam đang tiến nhanh lên chuỗi giá trị, gần đạt đến giới hạn năng lực trong việc phát triển các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu.
Những điểm mạnh chính của môi trường kinh doanh Việt Nam so với các nước trong khu vực, theo EIU là chính sách thuế, chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các biện pháp kiểm soát ngoại thương và tỷ giá hối đoái. Những điểm mạnh này được củng cố bởi sự ổn định chính trị trong nước cao hơn so với hầu hết các nước Đông Nam Á khác có mức độ phát triển kinh tế tương tự như Việt Nam.
Một vấn đề cần lưu ý đối với các nhà đầu tư tìm cách tiếp thị hàng hóa và dịch vụ là cơ sở hạ tầng còn phân tán của Việt Nam. Dù vậy, hàng loạt ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, khả năng tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), tiền lương cạnh tranh, sẽ đảm bảo Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất và những người đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á.
"Có thể thấy rất rõ lợi thế của các khu công nghiệp công nghệ cao, của dân số rất lớn, năng suất và trình độ chuyên môn của lao động Trung Quốc. Thật khó để tìm được nơi khác có tất cả những lợi thế đó với giá rẻ hơn. Những điều này làm cho Việt Nam trở thành cái tên thay thế rất thuận lợi cho một phần sản xuất của Trung Quốc. Đã có rất nhiều vốn FDI được rót vào để xây dựng các cơ sở sản xuất mới của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam", EIU cho biết.
Tuy nhiên, EIU cũng cảnh báo nguy cơ hàng đầu như sự phát triển của tự động hóa sẽ khiến Việt Nam cũng các nước đang phát triển khác có nguy cơ bị đẩy xa khỏi cơ hội làm giàu từ sản xuất – điều Trung Quốc từng đạt được.
"Điều đó là có thể xảy ra, chắc chắn là có thể. Và rất khó để có thể giàu lên theo cách tương tự khi mà nhiều quốc gia lựa chọn đi theo con đường này. Thời điểm 50, 60 năm trước hoặc lâu hơn trước đó, chiến lược thâm dụng lao động là phù hợp nhưng giờ thì không hoàn toàn như vậy. Hiện tại có nhiều doanh nghiệp đang đi theo hướng thâm dụng vốn thay vì thâm dụng lao động, nhờ có những công nghệ cao được phát triển liên tục. Vì vậy, lao động giá rẻ không phải là cơ sở để phát triển kinh tế lâu dài", Báo cáo của EIU chỉ rõ.
(theo EIU)