El Salvador kiên quyết trong cuộc chiến chống băng đảng

Đã 8 tháng kể từ khi Tổng thống El Salvador Nayib Bukele tuyên bố phát động cuộc chiến chống băng đảng, ước tính có khoảng 100.000 người bị tống vào tù.

Cuộc chiến chống băng đảng, được thúc đẩy sau một vụ giết người đẫm máu vào tháng 3, đặt El Salvador vào tình trạng khẩn cấp kéo dài. Chuyên gia nghiên cứu Trung Mỹ Tiziano Breda (tổ chức Crisis Group) đánh giá chính sách “mano dura” (nắm đấm sắt) dường như phát huy tác dụng: các vụ giết người đã giảm. Tổng thống Bukele nhờ vậy mà đạt tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục 86% trong cuộc khảo sát do tổ chức nghiên cứu CID Gallup thực hiện tháng 10 vừa qua.

El Salvador mạnh tay

El Salvador là đất của một số băng đảng khét tiếng nhất thế giới, chẳng hạn Barrio 18, MS-13.

MS-13 nổi lên ở thành phố Los Angeles (Mỹ) vào những năm 1980 trong cộng đồng người El Salvador sang Mỹ tị nạn do nội chiến. Đến những năm 1990, băng đảng này thu nhận thêm người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ khác. Nhiều kẻ sau đó bị trục xuất về nước và lại gieo rắc bạo lực tại quê nhà.

Crisis Group xác định trước khi Tổng thống Bukele triển khai chính sách “mano dura”, El Salvador có khoảng 70.000 thành viên băng đảng đang hoạt động trên khắp nước. Vì vậy giới chính trị gia không thể không giao du với thành viên băng đảng nếu muốn thực hiện chiến dịch tranh cử hoặc cung cấp dịch vụ công cho khu dân cư nghèo.

Cảnh sát bắt giữ một người tại Soyapango ngày 16.8 - Ảnh: Getty Images

Cảnh sát bắt giữ một người tại Soyapango ngày 16.8 - Ảnh: Getty Images

Nhưng các nhóm nhân quyền lại lo ngại nỗ lực loại bỏ băng đảng sẽ gây xáo trộn lớn: 58.000 người bị bắt giữ trong giai đoạn từ tháng 3 - 11.2022 khiến nhà tù quá tải, lực lượng tuần tra đầy đường.

Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) ngày 7.12 công bố báo cáo cáo buộc cuộc chiến chống băng đảng tại El Salvador vi phạm nhân quyền với nhiều hành vi như tra tấn và ngược đãi người bị bắt giữ, bắt giữ tùy tiện dựa trên bằng chứng đáng ngờ (ngoại hình, lý lịch, tố cáo ẩn danh, tố cáo trên mạng xã hội chưa kiểm chứng).

Ngày 3.12, cuộc chiến chống băng đảng leo thang khi lực lượng an ninh “bao vây hoàn toàn” thành phố đông dân nhất nước Soyapango.

Nhà nghiên cứu HRW Juan Pappier nhận xét loạt biện pháp mạnh tay ở Soyapango tạo điều kiện cho hành vi vi phạm nhân quyền, cản trở quyền tự do đi lại của người dân.

“Mano dura” có phản tác dụng?

Các chính quyền tiền nhiệm ở El Salvador đã từng cố gắng loại bỏ băng đảng bằng chính sách tương tự, nhưng kết quả chỉ làm tình hình tồi tệ hơn.

Cựu Tổng thống Antonio Saca thực thi siêu "mano dura”. Biện pháp bắt giam hàng loạt dẫn đến tình trạng băng đảng củng cố quyền lực ngay tại nhà tù.

“Triển khai quân đội cùng cảnh sát chống băng đảng khiến các băng đảng không chỉ đấu đá với nhau mà còn đấu với chính quyền. Năm 2015, El Salvador đã vượt qua Honduras để trở thành quốc gia bạo lực nhất thế giới, với tỷ lệ giết người lên tới hơn 100 vụ/100.000 dân. Nước này vài năm gần đây ghi nhận nhiều vụ bạo lực hơn cả thời nội chiến”, Giáo sư Rosen cho biết.

Thành viên băng đảng bên trong nhà tù Izalco - Ảnh: Getty Images

Thành viên băng đảng bên trong nhà tù Izalco - Ảnh: Getty Images

Tổng thống Bukele lúc lên nắm quyền năm 2019 cam kết chấm dứt tham nhũng và bạo lực băng đảng. Sang năm 2020 số vụ giết người bắt đầu giảm, nhưng có thông tin chính quyền đương nhiệm thỏa hiệp với các băng đảng.

Bộ Tài chính Mỹ từng cáo buộc chính quyền Tổng thống Bukele hỗ trợ tài chính cho các băng Barrio 18 và MS-13 để đổi lại số vụ bạo lực băng đảng lẫn số vụ giết người ở mức thấp. Nhưng nhà lãnh đạo El Salvador lên tiếng phủ nhận.

Chuyên gia Breda cho biết giới quan sát đều nhận định rằng thỏa hiệp giữa chính quyền đương nhiệm với MS-13 đổ vỡ vào tháng 3, nên băng này điên cuồng giết người hòng buộc chính quyền nhượng bộ. Tuy nhiên thay vì nhượng bộ thì Tổng thống Bukele lại phát động cuộc chiến chống băng đảng.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát dân sự quốc gia El Salvador, số vụ giết người trong 10 tháng của năm 2022 giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Người dân sống gần nơi tồn tại các băng đảng xác nhận hầu hết thành viên băng đảng đều đã đầu hàng, nhiều người lẩn trốn đến vùng nông thôn. Tất nhiên “tép riu” bị ảnh hưởng nhiều hơn số nhân vật cầm đầu”, chuyên gia Breda cho biết.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/el-salvador-kien-quyet-trong-cuoc-chien-chong-bang-dang-190973.html