Elon Musk có đang mơ mộng?
Từ vị thế tỷ phú công nghệ đến 'cánh tay phải' của Tổng thống Donald Trump, Elon Musk là cái tên được giới công nghệ và chính trị toàn cầu chú ý từ đầu năm đến nay.

Elon Musk không phải cái tên xa lạ trong giới công nghệ. Từ thay đổi ngành xe hơi với Tesla đến tham vọng chinh phục không gian cùng SpaceX, Musk còn là cộng sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump dù gây nhiều tranh cãi.
Chưa bao giờ thế giới công nghệ chứng kiến một nhân vật vừa lãnh đạo doanh nghiệp, vừa tham gia hoạch định chính sách, vừa là tâm điểm của những làn sóng chính trị dữ dội.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Diễn đàn Kinh tế Qatar trong tháng 5, Musk đã chia sẻ về kế hoạch cắt giảm chi tiêu chính phủ, tương lai của robot hình người và nhiều vấn đề khác, bao gồm tranh cãi khi tham gia chính trường Mỹ.
Không rời bỏ Tesla
Musk hỗ trợ ông Trump với tư cách “nhân viên chính phủ đặc biệt” (Special Government Employee – SGE), cho phép ông làm việc tại chính phủ (có hoặc không lương) trong 130 ngày mỗi năm. Vị trí của Musk dự kiến hết hiệu lực vào ngày 31/5.
“Tôi di chuyển rất nhiều. Sáng hôm qua tôi ở Thung lũng Silicon, tối hôm qua đến Los Angeles, còn hiện tại là Austin.
Tôi sẽ ở Washington vào ngày mai, có lẽ đến tối để ăn cùng tổng thống. Sau đó là hàng loạt cuộc họp với thư ký nội các, trở lại Thung lũng Silicon vào thứ Năm”, vị tỷ phú chia sẻ về lịch trình bận rộn với vai trò CEO lẫn cố vấn chính phủ.
Mở đầu phỏng vấn, Musk chia sẻ về thử thách của Tesla ở châu Âu. Chỉ 512 chiếc xe được đăng ký mới tại Anh trong tháng 4, giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, vị tỷ phú vẫn tỏ ra lạc quan bởi giá cổ phiếu Tesla đang tích cực.

Nhóm người biểu tình trước cửa hàng Tesla để phản đối Elon Musk. Ảnh: USA Today.
Tất nhiên, không thể phủ nhận hình ảnh của Musk bị ảnh hưởng nặng sau khi tham gia cố vấn cho ông Trump. Nhiều người lái những chiếc Tesla dán chữ “Tôi mua xe này trước khi biết rằng Elon bị điên”, nhưng Musk dường như không bận tâm.
“Có những người mua xe do Elon bị điên. Chúng tôi mất một số khách hàng, nhưng lại có thêm khách theo kiểu khác. Doanh số chung lúc này vẫn mạnh, chúng tôi không thấy vấn đề gì về việc sụt giảm nhu cầu”, Musk nói thêm.
Trả lời phỏng vấn, Musk phủ nhận khả năng rời bỏ Tesla. Vị tỷ phú nhấn mạnh sẽ tiếp tục giữ chức CEO trong 5 năm tới.
“Không có gì thay đổi về điều đó, trừ khi tôi chết... Tôi không thể ngồi đó, lo sợ mất ghế bởi các nhà hoạt động vì chính trị. Điều đó không thể chấp nhận”, vị tỷ phú nói thêm.
Nói về tương lai của Tesla, Musk đặt niềm tin không chỉ vào xe điện, mà còn với dự án robot hình người Olympus. Những robot này có thể làm nhiều việc như đi chợ, pha cà phê, trò chuyện...
“Đây không phải chuyện tiền, mà là kiểm soát hợp lý tương lai của công ty, đặc biệt nếu chúng tôi đang chế tạo hàng triệu, thậm chí có thể là hàng tỷ robot hình người”, Musk trả lời Bloomberg.
Tham vọng lớn với SpaceX
Trong khi Tesla gặp nhiều thách thức, SpaceX và Starlink đang phát triển tốt. Theo Musk, khoảng 90% đợt phóng lên quỹ đạo trong năm nay sẽ do SpaceX thực hiện. Hiện tại, gần 80% vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo của SpaceX.
Không chỉ đơn thuần cung cấp Internet qua vệ tinh, SpaceX là chiến lược toàn cầu. Musk nhấn mạnh cung cấp Internet tốc độ cao, chi phí thấp đến các khu vực nghèo là cách hiệu quả để giảm nghèo.
“Khi kết nối Internet, bạn có thể học mọi thứ miễn phí, bán hàng và dịch vụ cho thị trường toàn cầu. Khi có kiến thức về Internet và tham gia thương mại, điều này sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho mọi người trên thế giới”, Musk nói thêm.

Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX. Ảnh: New York Times.
Câu chuyện về IPO (niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán) của Starlink vẫn để ngỏ. Musk cho rằng ông “không vội niêm yết” bởi rủi ro pháp lý và kiện tụng.
“Tôi không vội IPO. Bạn biết đây là cách để có khả năng kiếm nhiều tiền hơn, nhưng cần rất nhiều chi phí và chắc chắn là hàng loạt vụ kiện, điều này rất khó chịu”, vị tỷ phú chia sẻ.
SpaceX cũng đang tiến gần bước tiến mới, bằng cách tái sử dụng toàn bộ tên lửa đẩy và tàu vũ trụ Starlink. Nếu đạt điều này, nhân loại có thể trở thành “nền văn minh liên hành tinh”.
Tranh cãi khi hoạt động chính trị
Không chỉ quản lý công ty, Musk còn là cố vấn đặc biệt cho chính phủ Mỹ thông qua Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency – DOGE). Trả lời phỏng vấn, ông dành 1-2 ngày mỗi tuần cho công việc chính phủ, khẳng định DOGE hoạt động hoàn toàn minh bạch.
“Bất cứ công việc thuộc chức năng của DOGE được đăng tải trên website doge.gov và tài khoản DOGE trên X. Do đó, mọi thứ hoàn toàn minh bạch. Theo ghi nhận, tôi chưa thấy bất cứ cáo buộc xung đột”, Musk nhấn mạnh.
Theo website của cơ quan, DOGE giúp tiết kiệm 170 tỷ USD ngân sách chính phủ. Dù còn cách xa mục tiêu 2.000 tỷ USD, Musk vẫn cảm thấy hài lòng.
“Khả năng hoạt động của DOGE phụ thuộc việc liệu chính phủ, kể cả Quốc hội Mỹ, có sẵn sàng tiếp nhận lời khuyên của chính phủ hay không... Tôi nghĩ rằng mọi thứ diễn ra đến nay thật tuyệt vời”, Musk chia sẻ.
Dù vậy, không phải ai cũng ủng hộ DOGE. Một số tổ chức quốc tế và tỷ phú như Bill Gates cáo buộc Musk “giết trẻ em” bởi cắt giảm viện trợ nước ngoài, đặc biệt là chương trình chống HIV/AIDS.
Trả lời câu hỏi này, Musk phản ứng gay gắt. Ông muốn “gặp vài đứa trẻ ấy” để có bằng chứng cụ thể thay vì chỉ nói suông.

Elon Musk và Donald Trump trong một sự kiện tại Washington. Ảnh: Bloomberg.
Động thái tham gia chính trị của Musk gây nhiều tranh cãi. Thời gian gần đây, nhiều kẻ bạo loạn xuất hiện tại cửa hàng Tesla để quậy phá, phản đối ông. Nói về việc liệu có hối hận khi vào chính trường, Musk chỉ nói mình “không làm gì sai”.
“Tôi làm những gì cần làm. Tôi chưa từng gây ra bạo lực, nhưng điều đó đã xảy ra với công ty của tôi. Những cuộc quậy phá lớn chống lại tôi. Họ là ai? Tại sao làm như vậy?
Họ có thể sai lầm đến mức nào nữa? Những người này có vấn đề gì? Tôi chưa từng làm hại bất cứ ai, và họ cần được xử lý. Một số người sẽ phải vào tù bởi họ xứng đáng. Và sẽ còn nhiều người phải như vậy”, Musk nhấn mạnh.
Khi được hỏi về khả năng tiếp tục chi tiền cho hoạt động chính trị cho tương lai, Musk thừa nhận sẽ ngày càng cắt giảm.
"Tôi nghĩ mình đã làm đủ rồi", Musk chia sẻ.
Niềm tin vào trí tuệ nhân tạo
Nằm trong nhóm đồng sáng lập OpenAI, Musk đang kiện công ty cũ vì đi ngược cam kết ban đầu về mã nguồn mở và phi lợi nhuận.
“Tôi nghĩ ra tên OpenAI bởi nó mang ý nghĩa nguồn mở, tổ chức phi lợi nhuận. Tôi đã tài trợ 50 triệu USD đầu tiên cho OpenAI, nó được dự định là công ty nguồn mở phi lợi nhuận.
Giờ đây, họ muốn thay đổi điều đó vì lợi ích tài chính riêng, thành công ty nguồn đóng và hoạt động vì lợi nhuận. Điều này giống như tài trợ tổ chức phi lợi nhuận để bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon, nhưng họ thành công ty gỗ, phá rừng và bán gỗ”, vị tỷ phú chia sẻ.

Logo của Neuralink. Ảnh: Bloomberg.
Trong lĩnh vực AI, Musk đặt niềm tin lớn vào Grok - chatbot của xAI. Tiếp theo là Neuralink – startup cấy chip vào não người.
“Chúng tôi có Neuralink, hiện đã giúp 5 bệnh nhân phục hồi khả năng bằng ‘cấy ghép tâm trí’, giúp họ điều khiển máy tính bằng suy nghĩ.
Chúng tôi sẽ thực hiện ca phẫu thuật phục hồi thị lực đầu tiên cho bệnh nhân bằng chip Blindsight vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau”, Musk nói thêm.
Theo vị tỷ phú, nhân loại có thể đang tiến gần đến trí tuệ nhân tạo tổng quát (Artificial General Intelligence – AGI), và đó sẽ là bước tiến tiếp theo của nhân loại.
Nguồn Znews: https://znews.vn/elon-musk-co-dang-mo-mong-post1556243.html