Elon Musk đã giúp Mark Zuckerberg 'hồi sinh' như thế nào?
Người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã nắm bắt thời cơ và vực dậy hình ảnh của mình sau nhiều năm chật vật.
Sự hỗn loạn của Twitter khiến nhiều người dùng quay sang sử dụng ứng dụng đối thủ Threads (Ảnh: Telegraph)
Ứng dụng tương tự Twitter ra mắt
Elon Musk đã làm được điều không thể tưởng tượng được: Ông đã giúp hồi sinh vị thế và hình ảnh của Mark Zuckerberg ở Thung lũng Silicon. Điều đó được thể hiện rõ ràng trong tuần này khi hàng chục triệu người đăng ký sử dụng một ứng dụng thay thế cho Twitter của Musk mà Zuckerberg tung ra.
Sau hơn 8 tháng Twitter hỗn loạn dưới thời của Elon Musk, nhiều người nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi với sự hỗn loạn này và thậm chí là cả sự tồi tệ của nền tảng mạng xã hội. Mức độ mệt mỏi đã đạt đến mức mà họ đã chọn đăng ký sử dụng Threads, bỏ qua những vấn đề về riêng tư thường thấy ở các nền tảng của Meta.
Những quan ngại về riêng tư phần nào đã khiến cho Zuckerberg trở thành kẻ thù của công chúng trong suốt nhiều năm. Người dùng các nền tảng mạng xã hội của Meta phải chấp nhận thực tế rằng hình ảnh, các bài đăng và lượt like của họ là nhiên liệu vận hành một khu phức hợp công nghiệp dữ liệu đã biến Zuckerberg trở thành một trong những người giàu nhất thế giới, và làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số.
Trong hôm 5/7, Zuckerberg đã nắm bắt cơ hội, cho ra mắt Threads ngay trong lúc mà Twitter đang có sự thay đổi chính sách mà Musk thực hiện, trong đó hạn chế số lượng bài đăng mà người dùng có thể đọc mỗi ngày. Đề xuất này được đưa ra vào cuối tuần trước, như một phần nỗ lực của Musk để hạn chế bên thứ ba sử dụng dữ liệu người dùng trên Twitter.
“Nếu bạn nghĩ về điều này, thì Elon là người làm quan hệ công chúng vĩ đại nhất. Ông ta đang quảng bá cho Meta!!!”, Ashley Mayer, đồng sáng lập công ty vốn mạo hiểm Coalition Operators, viết trên Twitter.
Cuộc đối đầu giữa Musk và Zuckerberg có ý nghĩa sâu xa hơn vấn đề tiền bạc. Cơ sở người dùng của Twitter không đáng là gì nếu đem so với các nền tảng của Zuckerberg, và doanh thu hàng năm của nó ở thời kỳ đỉnh cao còn chưa bằng 5% doanh thu của Meta. Nhưng ứng dụng Twitter từ lâu đã trở thành một ngôi nhà của các nhà báo, chính trị gia và người nổi tiếng, định hình nên thứ văn hóa đại chúng và các sự kiện thế giới.
Ứng dụng Threads được xem là câu trả lời của Meta với Twitter (Ảnh: WSJ)
Khi ra mắt Threads, CEO 39 tuổi của Meta, Zuckerberg, có vẻ như đã mở cánh cửa chào đón cho những người tìm kiếm những cuộc trò chuyện ít xung đột và đến với "ngôi nhà mới cởi mở và thân thiện hơn". Người dùng Threads có thể nhập tên và chuyển theo dõi từ tài khoản Instagram của họ, điều này đã làm hài lòng nhiều người. Tuy nhiên, ứng dụng không tránh khỏi một số chỉ trích.
Có nhiều báo cáo cho thấy Threads gặp sự cố và các bài đăng không hiển thị. Tuy nhiên, tổng quan, ứng dụng này đã có một buổi ra mắt thành công. Mỗi giờ trôi qua, Zuckerberg tiếp tục đăng thông tin cập nhật về số lượng người đăng ký sử dụng ứng dụng này.
Một số bài đăng ban đầu cho thấy nhiều người dùng nói đùa cợt về việc Threads không khác gì Twitter. Nhiều người khác đăng tải những bài đăng chỉ trích nhằm vào Elon Musk, người đã mua lại Twitter vào tháng 10 năm ngoái với mục đích bảo vệ sự tự do ngôn luận của nền tảng này.
“Twitter rõ ràng không còn là một quảng trường của chung nữa. Không còn nữa”, Chris Messina, người được cho là đã phát minh ra khái niệm hashtag trở nên phổ biến trên khắp các mạng xã hội, viết. “Đó là một sân chơi của riêng Elon Musk, nơi mà ông ta tính phí tất cả mọi người”.
Những năm tháng bĩ cực
Trong suốt nhiều năm, Elon Musk, 52 tuổi, đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì những hành động phi anh hùng của mình, mạo hiểm tài sản cá nhân để mang đến cho thế giới những chiếc xe ô tô điện (EV) và hiện thực hóa du hành vũ trụ. Những tham vọng của ông đã giúp ông trở thành người giàu nhất thế giới.
Musk hẹn hò với các ngôi sao Hollywood và đùa cợt về chất gây nghiện, tình dục trên Twitter, nơi mà ông tập hợp được 145 triệu người theo dõi, và nói chuyện một cách thẳng thực khiến ông có nhiều fan hâm mộ.
Mark Zuckerberg với chiếc áo mũ quen thuộc (Ảnh: GQ)
Trong khi đó, những năm gần đây, Mark Zuckerberg đã trở thành một biểu tượng đại diện cho Thung lũng Silicon và hứng chịu sự phẫn nộ từ làn sóng phản đối các tập đoàn công nghệ lớn. Đó là điều đau đớn đối với một thần đồng đã giúp mở ra thời đại truyền thông xã hội gần 20 năm trước, khi còn là một sinh viên ĐH Harvard có gương mặt trẻ thơ, người đồng sáng lập Facebook trong phòng ký túc xá của mình.
Sự xuất hiện của Zuckerberg ở Thung lũng Silicon đã mang lại một cách thức mới để làm mọi việc và một kiểu gây ấn tượng mới. Có đợt danh thiếp của ông từng ghi “Tôi là gã khốn CEO”, phong cách ăn mặc độc chiếc áo phông và mũ trùm đầu đã trở thành một dạng “đồng phục” cho cả một thế hệ hacker.
Và rồi, Zuckerberg dường như bị khủng hoảng ở độ tuổi 30.
Đầu tiên là Snapchat, tiếp theo là TikTok thu hút thế hệ trẻ hơn. Zuckerberg bị mô tả trong các meme như một gã người máy, bị lôi ra trước Quốc hội Mỹ để điều trần về cáo buộc thực hiện chiến thuật chống độc quyền. Tiếp đến là cuộc điều tra của tờ Wall Street Journal cho thấy các nền tảng mạng xã hội của Zuckerberg đầy những lỗ hổng gây hại cho người dùng, thậm chí độc hại đối với một số nữ thiếu niên.
Zuckerberg đã trải qua vô số vụ bê bối, từ vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica cho tới cách phản ứng chậm của công ty ông trước cáo buộc can thiệp bầu cử, và bị chế giễu vì những sở thích cá nhân bất thường của mình – như lái một chiếc tàu cánh ngầm trong khi cầm quốc kỳ Mỹ - đã khiến ông "biến mất" khỏi công chúng.
Công ty của Zuckerberg cũng đối mặt với làn sóng chỉ trích vì các khoản đầu tư vào thực tế ảo, Metaverse, và chứng kiến doanh số quảng cáo giảm trong bối cảnh những thay đổi về quyền riêng tư mà iPhone áp dụng.
“Cứ như thể mỗi ngày bạn thức dậy, bạn bị đấm vào bụng vậy”, Zuckerberg nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái.
Sự hồi sinh của Zuckerberg, và Meta
Nhưng kể từ đó, mọi chuyện dường như đã chuyển biến tốt với Zuckerberg và công ty của ông, mặc dù không hề dễ dàng. Ông đã cắt giảm hàng nghìn việc làm để thực hiện mục tiêu được gọi là “năm của sự hiệu quả”, trong khi doanh thu từ quảng cáo cũng được cải thiện. Các nhà đầu tư đã tưởng thưởng cho Meta: giá cổ phiếu của công ty tăng hơn gấp 3 lần so với năm ngoái.
Và với sự ra mắt của Threads trong tuần này, Zuckerberg dường như đã lấy lại được đôi chút tự tin. “Hãy thực hiện điều đó nào”, ông đăng tải trong buổi ra mắt hôm thứ Tư tuần này.
Zuckerberg giao lưu với người dùng trên Threads (Ảnh: Threads)
Trong những giờ và những ngày tiếp đó, Zuckerberg tiếp tục giao lưu với người dùng khi họ đổ tới ứng dụng mới, và thậm chí đích thân chào hỏi một số người dùng. Những bài đăng lạc quan, không có tính công kích của Zuckerberg hoàn toàn ngược với những đoạn tweet của Musk, đặc biệt là khi vị tỉ phú này lên Twitter cáo buộc Meta sao chép nền tảng của ông.
“Đây là hình ảnh đẹp nhất của Zuck trước công chúng trong một khoảng thời gian dài”, Eric Newcomer, tác giả của một bản tin nổi tiếng về startup trên Substack, viết trên Threads. “Nó giống như kiểu, kẻ địch của kẻ địch là bạn. Elon đang gây hấn trên Twitter, điều đó khiến cho Meta với thái độ thân thiện hơn nhìn giống như một vị thánh”.
Trong buổi sáng sau khi ra mắt, Threads của Zuckerberg đã thu hút được 30 triệu lượt đăng ký.
Khi một người dùng nói với ông rằng ông cần phải “tích cực đăng bài trên đây” để có thể hạ gục Twitter, Zuckerberg đã từ chối. “Không phải phong cách cá nhân tôi”, ông viết. “Nhưng tôi đảm bảo sẽ có nhiều nội dung giải trí ở đây...”
Trong ngày 7/7, Zuckerberg tiếp tục cập nhật số người đăng ký Threads: 70 triệu.
Nhưng Zuckerberg cũng hiểu rằng hàng triệu người dùng là chưa đủ để đi đến thành công cuối cùng.
“Sẽ mất thêm một khoảng thời gian, nhưng tôi nghĩ nên có một ứng dụng trò chuyện với hơn 1 tỉ người dùng trên đó”, Zuckerberg viết. “Twitter đã từng có hội để làm như vậy nhưng lại thất bại. Hy vọng chúng tôi sẽ làm được”./.