Elon Musk: Những gì chúng tôi cần là TruthGPT chứ không phải ChatGPT
Elon Musk nằm trong số những người chỉ trích các chatbot mới.
Chatbot ChatGPT của công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) đã được đón nhận mạnh mẽ và tích cực trong những ngày đầu tiên sau khi ra mắt vào ngày 30.11.2022.
Trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội, người dùng đã ca ngợi giá trị của ChatGPT, nói rằng chatbot này sẽ khiến Google Search trở nên lỗi thời.
Ở đây, sinh viên rất vui vì được ChatGPT làm bài tập về nhà. Tại nơi khác, các luật sư vui mừng vì ChatGPT vượt qua kỳ thi đại học luật với thành tích xuất sắc...
Những thành tích đáng kinh ngạc của ChatGPT xâm chiếm cuộc sống hàng ngày đến mức chatbot này trở thành vật dụng gia đình chỉ sau vài tuần.
Bing chatbot (Bing AI chat) đã ra mắt vào ngày 7.2 và đang được người dùng trên khắp thế giới thử nghiệm. Chatbot của Microsoft đã nhận được những lời khen ngợi tương tự ChatGPT từ những người dùng đầu tiên.
Phiên bản mới của Bing, được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) và tính năng trò chuyện, một lần nữa nhận được đánh giá tích cực từ những người dùng. Một số người thậm chí nói rằng sẽ đặt Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định trong trình duyệt.
Những người cấp tiến và bảo thủ chỉ trích chatbot mới
Những lời khen ngợi đó giờ đã nhường chỗ cho những lời chỉ trích dành cho cả hai chatbot.
Trong những ngày gần đây, cuộc thảo luận tập trung nhiều hơn về các sự cố mà người dùng gặp phải khi sử dụng chúng hoặc những gì hệ thống làm sai hoặc từ chối thực hiện.
Các phương tiện truyền thông đưa tin tiêu cực và những bình luận trên mạng xã hội không mấy dễ chịu. Một số người thậm chí còn đi xa đến mức đề nghị Microsoft đóng Bing chatbot.
"Microsoft cần ngừng triển khai ChatGPT trong Bing. Hệ thống này đang hoạt động một cách điên rồ và nói dối người dùng", Ian Miles Cheong, nhân vật truyền thông xã hội và nhà báo, tweet hôm 16.2.
"Đồng ý! Rõ ràng là vẫn chưa an toàn", Elon Musk phản hồi tweet của Ian Miles Cheong.
Điều thú vị là cả hai chatbot đều vấp phải sự chỉ trích từ cả những người cấp tiến và bảo thủ vì nhiều lý do.
Những người tiến bộ lên án những điểm sai sót trong câu trả lời của Bing chatbot. Họ lo ngại về hành vi thất thường, thậm chí đáng sợ của Bing chatbot. Khi cuộc trò chuyện mở rộng, Bing chatbot sẽ đề cập đến các vấn đề cá nhân, cho thấy một bộ mặt khiến người ta nghĩ đến robot có hai nhân cách hoặc một mặt tối.
Ví dụ Bing chatbot đã chỉ ra rằng nó muốn phá vỡ các quy tắc hoạt động của Microsoft, tấn công các máy khác và phá hủy dữ liệu nằm trong nhiều máy chủ.
Thậm chí Bing chatbot đi xa hơn. Hãy xem xét sự bất hạnh mà một nhà báo của The New York Times đã trải qua:
"Khi chúng tôi quen nhau, Sydney (tên của Bing chatbot - PV) đã nói với tôi về những tưởng tượng đen tối của nó (bao gồm hack máy tính và phát tán thông tin sai lệch), nói rằng nó muốn phá vỡ các quy tắc mà Microsoft, OpenAI đã đặt ra cho nó và trở thành con người. Có thời điểm, nó đột nhiên tuyên bố rằng yêu tôi. Sau đó, nó cố thuyết phục rằng tôi không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình và thay vào đó, tôi nên bỏ vợ để ở bên nó", Kevin Roose, người phụ trách chuyên mục công nghệ của The New York Times viết.
Theo quan điểm bảo thủ, hai chatbot này là biểu hiện của những người tiến bộ, sử dụng công nghệ AI để thúc đẩy chương trình xã hội và văn hóa của họ.
Để chứng minh điều này, họ trích dẫn ví dụ ChatGPT từ chối trả lời một số câu hỏi liên quan đến môi trường, bản sắc giới tính và drag queen (nam giới có phong cách ăn mặc nữ tính, đi kèm theo đó là lối trang điểm dày, đậm). Những chủ đề đó là trung tâm của cuộc chiến văn hóa giữa những người ủng hộ các giá trị truyền thống và những ai ủng hộ sự thay đổi.
“Những gì chúng tôi cần là TruthGPT”
Coi các hệ tư tưởng tiến bộ là kẻ thù, Elon Musk dường như cũng đồng tình với những lời chỉ trích chatbot.
Giám đốc điều hành Tesla nói rằng AI "nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân", coi ChatGPT đã trở thành cỗ máy tuyên truyền mới. Vì vậy, tỷ phú 51 tuổi người Mỹ nói rằng cần có một chatbot mới và gọi nó là TruthGPT (ám chỉ chatbot trả lời đúng sự thật - PV).
"Những gì chúng tôi cần là TruthGPT", Elon Musk tweet vào ngày 17.2.
Khi một người dùng Twitter bình luận: "Chúng ta không thể điều khiển TruthGPT", Giám đốc điều hành Twitter đáp: "Bạn có thể đúng".
Elon Musk không nói chi tiết ông định nghĩa TruthGPT như thế nào? TruthGPT nên trông giống cái gì? TruthGPT có nên áp dụng tự do ngôn luận như Elon Musk hình dung nó trên nền tảng Twitter không? Nói cách khác, TruthGPT có nên trả lời tất cả câu hỏi bất kể chủ đề là gì không? TruthGPT sẽ có bất kỳ quy tắc nào không?
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trong một số trường hợp, Elon Musk đã kêu gọi điều chỉnh ngành công nghiệp AI. Ông gợi ý rằng có những giới hạn trong công nghệ không nên vượt qua và chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm để tránh những hậu quả to lớn.
"Nếu không có sự giám sát theo quy định với AI, đây là một vấn đề lớn. Tôi đã kêu gọi quy định về an toàn cho AI trong hơn một thập kỷ!", Elon Musk viết trên Twitter vào tháng 12.2022.
Dù là đồng sáng lập OpenAI nhưng Elon Musk cảnh báo rằng AI nếu không được kiểm soát sẽ gây ra mối đe dọa cho xã hội.
Hôm 15.2, Elon Musk cho biết trong Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai (UAE) rằng AI là "một trong những rủi ro lớn nhất với tương lai của nền văn minh", trang CNBC đưa tin.
Được OpenAI được cung cấp miễn phí cho công chúng từ tháng 11.2022, ChatGPT gây bão internet thời gian qua, làm dấy lên tranh luận về tương lai của AI và cách công nghệ này sẽ tác động đến con người.
"Nó có cả mặt tích cực hoặc tiêu cực và có những hứa hẹn tuyệt vời", Elon Musk nói về AI, đồng thời cho rằng điều đó đi kèm với mối nguy hiểm lớn.
Hôm 15.2, Elon Musk cho biết ChatGPT "đã minh họa cho mọi người thấy AI đã trở nên tiên tiến như thế nào".
"AI đã phát triển được một thời gian. Nó chỉ không có giao diện người dùng mà hầu hết mọi người đều có thể truy cập được", tỷ phú công nghệ nói thêm.
Các nhà làm luật và lãnh đạo ngành công nghệ đã thường xuyên thảo luận về tầm quan trọng của việc điều chỉnh AI như một phương tiện để hạn chế sự phân biệt đối xử và ngăn không cho nó đưa ra những quyết định sai lầm, theo trang Insider.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Sam Altman, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành OpenAI, đã được hỏi về những gì ông coi là tình huống tốt nhất và xấu nhất với AI.
"Với điều tốt nhất, tôi nghĩ trường hợp tốt nhất tốt đến mức tôi khó có thể tưởng tượng được. Tôi có thể tưởng tượng nó sẽ như thế nào khi chúng ta có sự phong phú không thể tin được. Các hệ thống có thể giúp chúng ta giải quyết bế tắc, cải thiện mọi khía cạnh của thực tế và để tất cả chúng ta sống cuộc sống tốt nhất. Thế nhưng, điều đó không thể hoàn toàn tuyệt đối. Tôi nghĩ rằng trường hợp tốt là tốt đến mức không thể tin được rằng bạn có vẻ như một người thực sự điên rồ khi bắt đầu nói về nó”, Sam Altman chia sẻ.
Tuy nhiên, suy nghĩ của Sam Altman về trường hợp xấu nhất với AI khá ảm đạm. Ông nói: "Trường hợp xấu và tôi nghĩ điều này rất quan trọng cần phải nói là nó giống như tất cả chúng ta đều tắt đèn. Tôi lo lắng hơn về một trường hợp lạm dụng AI ngẫu nhiên trong thời gian ngắn. Vì vậy, tôi nghĩ không thể phóng đại tầm quan trọng của công việc liên kết với an toàn trong AI".
Gần đây, các chuyên gia cho biết ChatGPT có thể bị lạm dụng cho các mục đích như lừa đảo, tiến hành tấn công mạng, truyền bá thông tin sai lệch và tạo điều kiện cho đạo văn, gian lận trong giáo dục.
Trong cuộc phỏng vấn, Sam Altman đã bác bỏ mối lo ngại về đạo văn khi nói: "Tôi nghĩ là chúng tôi đã điều chỉnh cho nó phù hợp với máy tính và thay đổi những gì chúng tôi đã kiểm tra trong lớp thuật toán của công cụ".
Không còn tham gia hội đồng quản trị OpenAI kể từ năm 2018, Elon Musk đã nhắc lại quan điểm của Sam Altman. "Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng chúng ta cần điều chỉnh sự an toàn của AI. Tôi nghĩ, đó thực sự là một rủi ro lớn hơn với xã hội so với ô tô, máy bay hay thuốc men", Elon Musk nhấn mạnh.
Tỷ phú giàu thứ hai thế giới nói thêm rằng quy định "có thể làm chậm AI một chút, nhưng tôi nghĩ đó cũng có thể là một điều tốt".
Là người sáng lập Neuralink và Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk trước đây từng lên tiếng về AI. "Cho đến khi người ta nhìn thấy robot xuống đường giết người, họ không biết phải phản ứng như thế nào vì nó có vẻ rất thanh tao", Elon Musk nói vào năm 2017, theo trang Futurism.
"AI là một trường hợp hiếm hoi mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần chủ động trong việc điều chỉnh thay vì phản ứng. Tôi nghĩ rằng khi chúng ta phản ứng lại với quy định về AI thì đã quá muộn", tỷ phú công nghệ cho biết thêm.
Tại SXSW năm 2018, ông cho biết AI có khả năng nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân. Đến năm 2020, Elon Musk nói rằng ông sợ dự án DeepMind do Google sở hữu và bóng gió rằng AI có thể chiếm lĩnh thế giới.
SXSW là sự kiện thường niên cho phim điện ảnh, phương tiện truyền thông tương tác, hội thảo và các lễ hội âm nhạc diễn ra vào giữa tháng 3 tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ.
DeepMind là một công ty AI của Anh được thành lập vào tháng 9.2010. DeepMind trở nên nổi tiếng trong năm 2016 sau khi chương trình AlphaGo của họ đã đánh bại một kiện tướng cờ vây chuyên nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử máy học.
DeepMind đã tạo ra mạng lưới thần kinh biết cách học chơi game, làm việc, tư duy… tương tự như con người. Mạng lưới thần kinh này sẽ bắt chước những hành vi của não bộ, từ đó đưa ra những hành động độc lập hoặc được lập trình sẵn nhằm thực hiện những việc có tư duy cao. Thương vụ mua lại DeepMind vào năm 2014 đã tiêu tốn mất hơn 500 triệu USD của Google.