Em bé có khỏe không?

'Em bé khỏe không bác sĩ?' là câu hỏi vừa dễ thương, vừa khó trả lời nhất. Với bác sĩ, không khi nào bệnh nhân 'an toàn tuyệt đối', với thai phụ, bác sĩ càng phải thận trọng khi trả lời.

Làm bác sĩ (BS) khó lắm! Nếu tình trạng bệnh đã ổn 99% thì 1% còn lại cũng là nỗi lo lớn. Nếu lạc quan quá, chẳng may 1% kia xảy ra thì thật khó lòng. Nhưng nếu bi quan quá, bệnh nhân (BN) sẽ trách “sao bác sĩ hay hù dọa”. Quay lại câu chuyện, mỗi lần khám thai, mẹ bầu hay hỏi “Con em khỏe không BS?”. Và đây là cách để BS biết con khỏe hay không.

Thông thường, BS sẽ đánh giá sức khỏe thai nhi trong một số tình huống như: thai kỳ có nguy cơ lưu thai (mẹ bị tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lupus, cường giáp...). Ngoài ra, trong quá trình theo dõi, có một số dấu hiệu cảnh báo thai “không khỏe”, như: đái tháo đường thai kỳ, em bé giảm cử động, nước ối quá ít hay quá nhiều, mẹ từng có tiền sử thai chết lưu...

Trước khi nói cho mẹ bầu nghe chi tiết, xin lưu ý rằng, tùy tình trạng mẹ và thai, tùy tuổi thai, BS sẽ hướng dẫn hoặc chỉ định các xét nghiệm đánh giá sức khỏe thai khác nhau. Hiện vẫn chưa có cách nào khẳng định em bé khỏe 100%. Một số phương pháp dùng để đánh giá sức khỏe em bé như: đếm cử động thai, siêu âm, nonstress test (hay gọi là đo tim thai), trắc đồ sinh vật lý. Trong đó, đếm cử động thai là cách đơn giản, mẹ bầu có thể tự thực hiện tại nhà.

Đếm cử động của thai.

Đếm cử động của thai.

Đếm cử động thai

Cử động thai có thể là đạp, xoay hoặc nhào lộn trong bụng mẹ. Hầu hết thai phụ cảm nhận được cử động thai lúc khoảng 20 tuần. Mẹ mang thai lần đầu có thể cảm nhận muộn hơn. Đừng quá lo lắng khi bạn không thể cảm nhận thai máy trong khoảng 16-20 tuần vì một số yếu tố có thể làm bạn cảm nhận muộn hơn chút ít.

Cho đến nay, vẫn chưa có đồng thuận xác định thai cử động mấy lần trong giờ, trong ngày là bình thường.

Theo Hội Sản phụ khoa Mỹ: ít nhất 10 cử động thai trong 2 giờ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới: ít nhất 06 cử động trong 2 giờ hoặc ít nhất 10 cử động trong 12 giờ.

Một số tài liệu khác: ít nhất 3 cử động trong 1 giờ.

Tựu trung, mẹ bầu có thể ghi nhớ những điểm thiết yếu sau đây:

Mẹ bầu có thể theo dõi cử động thai từ tuần thứ 28 trở đi.

Nên chọn tư thế nằm thoải mái, nên có giấy bút ghi chép lại những lần theo dõi.

Khi thấy thai máy ít hơn 10 cử động thai trong 2 giờ, mẹ nên ngưng đếm. Có thể đi lại, ăn nhẹ, uống 1 ly nước trái cây và đếm lại. Sau đó, nằm nghiêng bên trái và đếm cử động thai lại trong 2 giờ lần nữa. Nếu suốt 2 giờ mà ít hơn 10 cử động thai, nên đến bệnh viện hoặc liên hệ bác sĩ theo dõi thai.

Các yếu tố sẽ ảnh hưởng cử động thai

Thai nhi có thời gian ngủ, không cử động. Thời gian ngủ có thể 30-40 phút nhưng thường không quá 90 phút.

Mẹ sẽ cảm nhận thai máy tốt nhất lúc nằm, cảm nhận kém hơn khi ngồi và kém nhất là khi đứng. Những bà mẹ bận rộn thường thấy thai máy ít. Một số tác giả còn đề nghị nên đếm thai máy lúc thật tập trung, ở một nơi yên tĩnh. Khi thai dưới 28 tuần, bánh nhau mặt trước tử cung, thành bụng dày sẽ làm mẹ cảm nhận thai máy kém hơn.

Thông thường, mẹ sẽ cảm nhận thai cử động nhiều sau khi ăn (nhất là ăn ngọt), sau khi vận động. Nhiều bà mẹ sẽ thấy thai máy nhiều nhất khoảng 9 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Trước giờ đi ngủ cũng là khoảng thời gian lý tưởng để nằm thư giãn và đếm cử động thai. Hoặc mẹ để ý thai hoạt động nhiều nhất vào khoảng thời gian nhất định nào trong ngày thì chọn khoảng đó để theo dõi.

Một vài loại thuốc, rượu có thể qua nhau thai và ảnh hưởng cử động thai. Cũng có bằng chứng cho thấy cử động thai tăng khi nồng độ đường huyết tăng. Vì vậy, thai máy ít, bác sĩ hay khuyên ăn nhẹ, vận động nhẹ và đo đếm lại.

Cần lưu ý thêm, tiêm corticosteroid trưởng thành phổi có thể giảm cử động thai trong vòng khoảng 2 ngày sau tiêm. Nếu thai máy ít, bạn liên lạc với bác sĩ theo dõi hoặc đến bệnh viện, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các cách khác đánh giá tình trạng của con.

BS. Lê Tiểu My

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/em-be-co-khoe-khong-n176556.html