Em bé đầu tiên trên thế giới sống khỏe nhờ ghép một phần trái tim
Báo cáo khoa học vừa đăng trên tạp chí JAMA đã xác nhận sự thành công của ca ghép một phần trái tim làm nên lịch sử.
Theo Science Alert, bệnh nhi tên Owen Monroe đã được ghép chỉ một phần trái tim - bao gồm van tim và các mạch máu - từ một trẻ sơ sinh hiến tặng khác khi chỉ mới 18 ngày tuổi.
Ca phẫu thuật làm nên lịch sử được thực hiện vào năm 2022 nhưng các bác sĩ phải chờ xem cơ thể cậu bé thích ứng với phần hiến tặng này như thế nào mới có thể kết luận phẫu thuật có thành công hay không.
Nghiên cứu vừa được công bố trên JAMA đã xác nhận sự thành công hơn cả mong đợi.
Sau hơn một năm kể từ ngày được cấy ghép, trái tim của Owen - vốn chỉ to bằng một quả dâu tây khi được phẫu thuật - đã tăng kích thước. Các mô được hiến tặng cũng phát triển theo một cách đồng đều.
Các bác sĩ khẳng định chức năng tim của Owen hiện rất tốt. Kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng cho thấy cậu bé đang đạt được các mốc phát triển của một đứa trẻ 1 tuổi bình thường.
Owen là em bé đầu tiên được ghép một phần trái tim. Trước khi thực hiện trên con người, bác sĩ phẫu thuật chính Joseph Turkek (Đại học Duke) và các cộng sự đã thử nghiệm thành công trên 5 chú heo con.
Theo BS Turek, thành công trên cơ thể bé Owen sẽ mở đường cho những ca phẫu thuật khác để cứu những đứa trẻ khác.
Thủ thuật này cũng giúp hạn chế được những rủi ro khi ghép cả trái tim, đối với những trẻ chỉ bị hư hỏng một phần của tim
Các em bé sơ sinh phải ghép tim hoàn toàn thường khó sống qua tuổi 20, bởi trái tim cấy ghép cho dù cũng phát triển nhưng dần gặp các rối loạn chức năng.
Vì chỉ ghép một phần trái tim nên bé Owen chỉ phải dùng một nửa liều thuốc chống thải ghép so với những trẻ ghép tim hoàn toàn.
Điều này rất có lợi vì thuốc chống thải ghép đồng thời ức chế hệ miễn dịch, sẽ khiến bệnh nhân dễ bị các mầm bệnh xâm nhập, từ virus, vi khuẩn đến ung thư.
Trước đó, cậu bé Owen đã được đưa vào danh sách ghép tim và được cho là khó sống sót sau 6 tháng nếu vẫn chưa tìm được người hiến tạng phù hợp. Từ khi chào đời, bé đã phải sống nhờ các máy móc hỗ trợ, bao gồm "tim phổi nhân tạo" ECMO.