Em bé gốc Việt chết trong vụ xả súng năm 1989
32 năm trước, một người xả súng tại trường Tiểu học Cleveland, nơi có nhiều người gốc Á theo học, khiến 5 đứa bé thiệt mạng. Tuy vậy, vụ việc không được coi là tội ác vì thù ghét.
Sân chơi tại trường Tiểu học Cleveland ở Stockton, bang California rất náo nhiệt vào ngày 17/1/1989 khi Sam Leam, học sinh lớp 2, chờ đến lượt chơi bóng. Đó là một ngày mùa đông đầy nắng. Leam và các bạn cùng lớp đang cố gắng vui đùa vào phút cuối trước khi quay lại lớp học.
Đột nhiên, những đứa trẻ nghe thấy một loạt âm thanh. Liệu đó là tiếng pháo nổ hay một quả bóng liên tục bật nảy?
Không. Đó là âm thanh phát ra từ một khẩu súng trường bán tự động. Patrick Purdy đang xả súng vào những đứa trẻ.
Các học sinh cố gắng chạy trốn nhưng bị những phát đạn của Purdy hạ gục. Cậu bé 7 tuổi Leam trúng đạn 3 lần, nhưng vẫn sống sót một cách thần kỳ.
Sam Leam, hiện 39 tuổi, vẫn nhớ như in lúc mình "bò trên sàn trong hành lang" và cố gắng mở cửa cho đến khi được một giáo viên cứu.
Purdy đã sát hại 5 đứa bé: Thuy Tran - một học sinh gốc Việt 6 tuổi, Sokhim An, 6 tuổi, hai học sinh 8 tuổi Oeun Lim và Ram Chun, và Rathanar Or, 9 tuổi. Hung thủ cũng làm bị thương 29 người khác trước khi tự sát.
"Chúng ta chỉ cần cho qua"
“Ngày đó đã in sâu vào đầu tôi”, Leam, nhân viên bất động sản ở Chicago, nói với Los Angeles Times. “Ngày đó trở thành một phần trong tôi và thay đổi mọi thứ”.
Tâm trí Leam quay lại ngày khủng khiếp 32 năm trước sau khi nghe tin Robert Aaron Long bị nhà chức trách buộc tội giết chết 8 người ở khu Atlanta, Georgia vào ngày 16/3. 6 nạn nhân của Long là phụ nữ châu Á.
Những điểm tương đồng giữa vụ thảm sát Stockton năm 1989 và vụ xả súng ở khu vực Atlanta năm 2021 đang khiến người ta phải rùng mình.
Cả hai vụ việc đều xảy ra do một người đàn ông da trắng loạn trí xả súng vào người gốc Á. Ở cả hai vụ việc, nhà chức trách nhanh chóng bác bỏ khả năng hung thủ có động cơ chủng tộc, dù số người chết cho thấy điều ngược lại.
Vụ thảm sát ở Trường Cleveland cũng mang đến một bài học đáng lo ngại mà người Mỹ hy vọng sẽ không lặp lại sau cuộc tấn công ở Atlanta: Sự lãng quên.
Tổng chưởng lý California lúc bấy giờ John Van de Kamp tuyên bố kết quả điều tra của văn phòng ông cho thấy “lòng căm thù lớn dần” khiến Purdy nhắm vào những người nhập cư Đông Nam Á. Tuy vậy, sau vụ xả súng ở Trường Cleveland, nhà chức trách tập trung vào kiểm soát súng đạn, chứ không phải bạo lực chống người châu Á.
Hàng năm, những người sống sót tổ chức một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân, nhưng ngoài người dân địa phương, không ai có vẻ quan tâm đến hoạt động này.
Trên cả nước, một số nhà hoạt động vẫn nhớ đến vụ thảm sát Stockton, nhưng nó không bao giờ thâm nhập vào tâm trí người Mỹ như những vụ giết người có động cơ chủng tộc khác. Khía cạnh chủng tộc của vụ việc thậm chí không ảnh hưởng đến nhiều người sống sót ở Stockton cho đến tận sau này.
“Gia đình tôi có suy nghĩ ‘Chuyện đã qua rồi, chúng ta chỉ cần cho qua, giống như chiến tranh vậy’”, Sinath Vann, nhân viên dịch vụ cộng đồng của Sở Cảnh sát Stockton, cho biết.
Vann đang học lớp 2 tại Trường Cleveland khi Purdy xả súng và may mắn thoát chết mà không bị thương.
“Bạn được kể là một kẻ điên đã giết trẻ em, và chỉ có thế”, ông Leam nói. "Bạn không suy nghĩ nhiều cho đến khi bạn chú ý hơn”.
Judy Weldon, giáo viên đã giải cứu Leam, thậm chí còn chưa nghe nói về cuộc điều tra của Tổng chưởng lý Van de Kamp.
“Chưa ai nói điều đó với chúng tôi cả”, người phụ nữ 72 tuổi này cho biết.
Bà là thành viên của Cleveland School Remebers, nhóm lập ra để tưởng nhớ thảm kịch và đấu tranh cho công bằng xã hội.
“Chúng tôi không biết các cuộc điều tra nói gì. Chỉ vài năm qua, chúng tôi mới được báo rằng hành vi đó là tội ác vì thù ghét", bà Weldon nói thêm.
“Phân biệt chủng tộc sẽ không biến mất ở Mỹ”
Những thập kỷ sau vụ thảm sát ở trường Tiểu học Cleveland, cả bà Weldon, Leam và Vann chia sẻ những chuyện họ phải chịu đựng như một lời cảnh báo, với hy vọng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Song, lịch sử vẫn lặp lại, lần này là ở Atlanta, Georgia.
“Những người vô tội ở Atlanta đang sống như thường ngày thì trở thành nạn nhân của hành động vô nghĩa này”, ông Leam nói với Los Angeles Times. “Chuyện này cũng giống như tôi đang đi học thì có người bước vào trường và bắt đầu dùng khẩu AK-47 của mình xả vào học sinh”.
“Phân biệt chủng tộc sẽ không biến mất ở Mỹ”, bà Weldon nhận định. “Đó là nỗi đau của đất nước chúng ta. Chúng ta dường như không bao giờ thay đổi điều đó. Chúng ta không trở nên tốt hơn chút nào".
Điều ít được nhắc đến sau vụ thảm sát Stockton là Trường Cleveland có rất đông học sinh gốc Campuchia và Việt Nam. Và một trong những điều cuối cùng mà Purdy nói với người qua đường, theo báo cáo của Tổng chưởng lý Van de Kamp, là “những người theo đạo Hindu và thuyền nhân đã chiếm hết mọi thứ”.
“Mọi người chỉ nghĩ đó là một vụ xả súng ở trường học”, ông Leam nói. “Khi tôi kể cho họ nghe câu chuyện bên trong, họ rất ngạc nhiên. Thật không may, đó là thực tế của thế giới chúng ta đang sống. Mọi người phủ nhận sự phân biệt chủng tộc vì nó không ảnh hưởng đến họ".
Bà Weldon cho rằng một trong những lý do vụ xả súng ở Trường Cleveland không được mọi người coi là tội ác vì thù hận là do cái nhìn không mấy thiện cảm với người châu Á.
“Có quá nhiều người coi những đứa trẻ này là thuyền nhân”, bà Weldon cho biết. “Tôi nhớ những người bạn của tôi vào thời điểm đó nói rằng ‘những người này chen hàng của tôi tại các cửa hàng tạp hóa’”.
“Khi vụ nổ súng xảy ra, cả thành phố xích lại gần nhau hơn bao giờ hết”, bà Weldon nói thêm. "Nhưng sau đó, mọi thứ lại quay về như cũ và với những người không phải chịu đau khổ, cuộc sống vẫn tiếp diễn".
Hãy chắc chắn rằng điều này không xảy ra với Atlanta.