'Em của thời niên thiếu': Một thanh xuân dữ dội và dịu êm
Thời niên thiếu tươi đẹp, con người mang theo những hoài bão mộng mơ, ngây ngô vụng dại để gồng mình bước chân vào đời. Cái giá của sự trưởng thành đôi khi phải đánh đổi rất nhiều thứ, kể cả máu và nước mắt.
Em của thời niên thiếu ra mắt vào ngày 25/10/2019 tại Trung Quốc và trở thành cơn sốt phòng vé, thu về những phản hồi tích cực từ phía khán giả mặc dù nguyên tác là cuốn tiểu thuyết Thời niên thiếu tươi đẹp ấy của Cửu Nguyệt Hy dính nghi án đạo văn. Bỏ qua những tranh cãi, nghi vấn của cốt truyện gốc thì phiên bản chuyển thể của đạo diễn Tăng Quốc Cường rất đáng xem và suy ngẫm. Tác phẩm điện ảnh man mác nỗi buồn này đã phơi bày hiện thực học đường khốc liệt, vạch trần những góc khuất đen tối trong đời sống giới trẻ.
Câu chuyện bắt đầu tại một ngôi trường nọ khi những học sinh cuối cấp đang miệt mài học hành để chuẩn bị cho kỳ thi đại học thì có một nữ sinh tên Hồ Tiểu Điệp đã nhảy lầu tự sát. Khi mọi người đang bủa vây để quay phim, chụp ảnh cái xác đó thì Trần Niệm, cô gái bé nhỏ đã cởi áo che đi thân thể dập nát của người đã mất. Bi kịch cũng bắt đầu từ đó, Trần Niệm trở thành đối tượng bị bắt nạt mà cầm đầu là Ngụy Lai, đứa con gái xinh đẹp nhưng tâm hồn đã bị quỷ dữ xâm chiếm. Nó vui vẻ, khoái chí khi hành hạ Trần Niệm, cười cợt trên nỗi đau của bạn bè.
Trong sự thờ ơ, lạnh lùng của mọi người, không có ai giúp đỡ, Trần Niệm đã gặp Tiểu Bắc, một tên lưu manh xa lạ. Hai người bắt đầu làm quen từ nụ hôn ép buộc để rồi cùng nhau nắm tay đi trên một đoạn đường đầy rẫy đau thương. Nhờ Tiểu Bắc mà những năm tháng thanh xuân còn lại của Trần Niệm trở nên ấm áp, một cô gái bị bạn bạo hành có mẹ đi làm ăn phi pháp; một chàng trai đầu gấu, bị mẹ bỏ rơi, đã tình cờ gặp gỡ trong hoạn nạn, nương tựa vào nhau để tìm kiếm một chút hạnh phúc nhỏ nhoi giữa dòng đời khắc nghiệt.
Thế nhưng sự đời vốn tuyệt tình, tàn nhẫn; mối tình đầu “chưa học được cách ôm đã phải buông bỏ”; Trần Niệm đã bị lũ bạn khốn nạn ép đến đường cùng, chúng tra tấn, quay phim, đánh đập và làm nhục em đến nỗi em không thể tiếp tục chịu đựng. Rồi chuyện xảy ra, Trần Niệm đã lỡ tay, vô tình giết chết Ngụy Lai nhưng Tiểu Bắc đã dàn xếp để nhận tội thay. Vì cậu từng nói rằng: “Tôi thích một cô gái, tôi chỉ muốn cho cô ấy một kết thúc tốt đẹp chỉ vậy mà thôi”. Thế nên cậu hy sinh, cậu cố chấp, kiên cường vì người con gái mình yêu mà sẵn sàng từ bỏ tương lai.
Người lớn nghi ngờ, nhận xét về hành động bồng bột của hai đứa trẻ:
- Không có ai nguyện ý đánh đổi cả tương lai của mình để bảo vệ người khác cả.
- Chúng ta sẽ không, nhưng bọn họ vẫn là thiếu niên.
Vì Tiểu Bắc và Trần Niệm vẫn còn thiếu niên, quá nhỏ để tự học cách trưởng thành, quá tổn thương để chịu thêm đau đớn. Một đứa học sinh giỏi và một tên lưu manh vẫn cố gắng đến cùng để chiến thắng số mệnh, cuối cùng Trần Niệm đã bảo vệ được thế giới, còn Tiểu Bắc đã bảo vệ được Trần Niệm.
Một câu chuyện thanh xuân thật buồn, bi thương, có quá nhiều nước mắt và thấm đẫm những triết lý nhân văn sâu sắc về cuộc sống. Không gian phim phim trở nên u ám, căng thẳng bởi thi cử, bởi những cuộc ẩu đả kinh dị không có hồi kết của người trẻ, chúng nhẫn tâm tự trừng phạt, hủy diệt sự sống của những người bạn yếu ớt; cộng đồng thì lạnh lùng nhìn sự bạo hành diễn ra hằng ngày như một điều tất yếu, thậm chí đem những hành động xấu lên trên mạng xã hội để bàn tán, khoe khoang.
Họ biết rằng chính sự vô tâm đó đã cổ vũ những con quỷ trẻ người non dại thực hiện hành vi độc ác, đồi bại của chúng để đẩy người vô tội vào địa ngục. Trần Niệm may mắn có Tiểu Bắc ở bên cạnh để được chở che, thấu hiểu còn những đứa trẻ bị bắt nạt không có Tiểu Bắc ở bên thì sao? Những người đang một mình chịu đựng, gào thét, vùng vẫy giữa nỗi đau mà không ai biết đến thì sao? Rồi sẽ có kết cục như Hồ Tiểu Điệp? Bạo lực học đường không phải là bi kịch của riêng một người mà là vấn đề nhức nhối của trường học, của gia đình và xã hội.
Em của thời niên thiếu đã phản ánh sự thật trần trụi đó bằng những thước phim điện ảnh giàu chất nghệ thuật, được xây dựng chân thực, gần gũi. Dẫu thế giới trong phim tăm tối thì đâu đó vẫn ánh lên tia sáng ấm áp về hy vọng, niềm tin đến tương lai, như Trần Niệm và Tiểu Bắc dẫu gặp biết bao đau khổ vẫn kiên định về những điều tốt đẹp ở phía trước để tiếp tục tồn tại, vì “Bất kể cuộc sống có khó khăn đến đâu, bạn cũng cần giữ vững niềm tin chúng ta rồi cũng sẽ ổn”. Một tác phẩm ý nghĩa dành tặng cho khán giả trẻ, những người đang học cách trưởng thành.
Phim rất hay mà cái hay đó được lột tả đầy cảm xúc một phần lớn nhờ diễn xuất của bộ đôi Châu Đông Vũ và Dịch Dương Thiên Tỷ, hai diễn viên trẻ đã có một sự kết hợp ăn ý và ấn tượng trên màn ảnh rộng. Thiên Tỷ đã khiến khán giả phải nhớ đến cậu ngay từ tác phẩm điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất. Thiên Tỷ đã thể hiện được sự gai góc, lầm lì hoang dã, ẩn chứa nội tâm phức tạp của Tiểu Bắc.
Bên cạnh cậu là đàn chị Châu Đông Vũ, ngôi sao nữ tuy vóc dáng mảnh mai, nhỏ bé nhưng thực lực diễn xuất lại vô cùng to lớn, dày dặn kinh nghiệm. Đông Vũ dường như khắc họa được nỗi đau, sự bi thương, uất ức và mạnh mẽ, đầy bản lĩnh của nhân vật Trần Niệm. Lối diễn của Châu Đông Vũ và Dịch Dương Thiên Tỷ đồng điệu, hài hòa vào nhau trong từng ánh mắt, biểu cảm để viết nên một tình yêu đầu đẹp đẽ trong năm tháng thanh xuân bi thương của Trần Niệm và Tiểu Bắc.
Em của thời niên thiếu sẽ khiến chúng ta khóc, ám ảnh, day dứt về những nỗi đau tuổi trẻ và nuôi dưỡng hy vọng về ngày mai, về ánh sáng nơi cuối đường hầm.