'Em ước được gặp mẹ, dù chỉ 5 giây...'
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2019 do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND TP HCM tổ chức ngày 17/11 để lại nhiều xúc cảm.
Thông điệp “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại” được lan tỏa qua mỗi câu chuyện, mỗi sẻ chia của những người tham dự, khiến người xem, người nghe không khỏi day dứt, từ đó nhắc nhớ về trách nhiệm của mỗi cá nhân với chính bản thân cũng như đối với cả cộng đồng mỗi khi tham gia giao thông.
"Mất mẹ rồi, hai con đành ngậm ngùi bỏ học..."
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người đã có mặt tại khu vực lễ đài, với nhành hoa trắng trên tay. Trước khi buổi lễ bắt đầu, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi phóng sự về gia cảnh của những gia đình không may có người thân bị TNGT được trình chiếu trên màn hình lớn.
Trong bầu không khí lắng đọng, trên khán đài, đại diện cho các gia đình nạn nhân bị TNGT, em Trần Nguyễn Hùng Thắng (học sinh lớp 12 ở huyện Nhà Bè) rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào: “Trước khi đi làm mẹ có dặn là nấu cơm để khi đi làm về mẹ ăn. Ai ngờ đó là lời dặn cuối cùng mà mẹ dặn em, rồi mẹ đi mãi không về. Hai anh em mãi mãi không còn được ăn cơm với mẹ mỗi tối nữa. Nếu có một điều ước, em ước được gặp lại mẹ dù chỉ 5 giây thôi…”. Ở phía dưới, em Trần Nguyễn Hùng Mạnh, đang học lớp 9, là em trai của Thắng khóc nấc lên khi nghe anh nhắc về mẹ.
Câu chuyện của hai em đã gây xúc động mạnh đối với hàng ngàn người tham dự lễ. Khi Thắng vừa dứt lời, dưới khán đài, nhiều tiếng khóc nấc cũng bật lên. Nhiều người khác cố kìm nén nhưng cũng không sao ngăn được những giọt nước mắt cảm thương.
Vào đêm 18/9 vừa qua, mẹ của Thắng và Mạnh là bà Trần Thị Hồng Châu (59 tuổi) khi trên đường đi làm về bằng xe đạp đã bị một xe máy lưu thông ngược chiều tông trúng trên đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè. Bà Châu tử vong tại bệnh viện ngay trong đêm đó. Bà Châu ra đi để lại hai anh em Thắng mồ côi, bởi bố của các em đã bỏ nhà đi ngay từ khi các con còn rất nhỏ. Trước khi mất, bà Châu là trụ cột chính trong gia đình, sớm tối đi làm thuê để nuôi hai con ăn học và trả tiền thuê trọ.
Giờ đây, khi không còn mẹ, anh em Thắng không biết xoay xở thế nào. “Mỗi tháng trả tiền nhà cùng tiền sinh hoạt, học tập khiến cuộc sống của hai anh em khó càng thêm khó… Hai anh em sẽ cố gắng học hết năm nay rồi nghỉ, sau đó học nghề để tự kiếm sống nuôi bản thân chứ không còn tiền để đi học nữa”, Thắng chua xót.
Phía sau tay lái là bản thân, gia đình, cộng đồng
Cũng là người có thân nhân là nạn nhân TNGT đến tham dự lễ, bà Trần Thị Lệ Tuyết (trú quận Gò Vấp) chia sẻ: “Cháu tôi bị tai nạn xe cán mất một chân khi đang trên đường đi học. Dù 7 năm đã trôi qua nhưng sau vụ tai nạn đến nay cháu vẫn phải chống nạng đi học, gia đình rất đau xót bởi sự mất mát là quá lớn.
Khi nghe được thông tin có lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT, tôi đến đây để hưởng ứng, mong muốn được nói với mỗi người lái xe rằng, phía sau tay lái là tính mạng của bản thân, là cả gia đình mình, là nhiều gia đình khác. Bởi thế, hãy cẩn trọng mỗi khi đi trên đường”.
Có mặt tại lễ tưởng niệm khá sớm, anh Bùi Minh Hiếu (ở tổ 36, ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP HCM) như người ngẩn ngơ sau khi xem phóng sự về TNGT. Sau khi không may gặp TNGT, anh Hiếu bị tổn thương não, thương tích ở mắt, không còn khả năng lao động, lúc nhớ lúc quên, thậm chí nhiều lúc không biết mình là ai... Đây là trường hợp đã được Báo Giao thông phối hợp với Ban ATGT TP HCM làm lễ bàn giao căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng cho gia đình vào ngày 1/11 vừa qua.
Em Nguyễn Thị Hoàng Oanh (học sinh lớp 8, quận Gò Vấp, TP HCM, nhân vật trong bài viết “Nghị lực nữ sinh được Thủ tướng gửi thư khen” đăng trên Báo Giao thông ngày 13/9) cũng là một trong những người đến rất sớm để dự lễ.
Hoàng Oanh cho hay: “Con cố gắng học thật tốt để sau này giúp được bà. Mong muốn lớn nhất của con sau này là làm bác sỹ để chữa bệnh cho nhiều người. Điều con mong muốn nhất là mong mọi người hãy tham gia giao thông an toàn, văn minh. Đặc biệt, khi đã uống rượu, bia thì không nên lái xe để không ai bị tai nạn như con”, Oanh nói.
Oanh bị TNGT năm 2014, phải cắt bỏ một chân, điều kiện gia đình rất khó khăn. Tuy vậy, Hoàng Oanh vẫn phấn đấu trong học tập, nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Ngày 25/9 vừa qua, em đã được Báo Giao thông phối hợp với Ban ATGT TP HCM trao học bổng 100 triệu đồng.
Đừng để ân hận thì đã muộn...
Khi lễ tưởng niệm đã kết thúc, chị Hồ Thị Hằng (trú quận 6) vẫn ngồi lặng lẽ một góc, hai mắt ngấn lệ. Chị kể, cuối tháng 8 vừa qua, TNGT đã cướp đi đứa con trai 14 tuổi của chị, để rồi đến nay, không phút giây nào nỗi đau ấy nguôi ngoai.
“Tôi vẫn chưa thể tin đó là sự thật, thực sự đau lòng lắm. Mong rằng những ai có con nhỏ thì hãy để mắt tới các con, đừng để các con tham gia giao thông mà không chấp hành luật lệ, đến khi xảy ra điều gì thì lúc đó có ân hận cũng đã muộn mất rồi”, chị Hằng rưng rưng.
Tương tự, chị Đỗ Thị Thanh Phú (huyện Hóc Môn) chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi ly thân, tôi sống với con trai. Sau khi ra trường, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nó vừa đi chạy xe ôm công nghệ được khoảng 3 tháng để phụ giúp mẹ. Thế nhưng, mới đây cháu bị xe container cán chết, nhận được hung tin tôi suy sụp đến tận bây giờ. Qua buổi lễ tưởng niệm, tôi mong mọi người sẽ cẩn thận hơn mỗi khi ra đường”.
Vẫn nán lại dù buổi lễ đã kết thúc, tài xế Đinh Mạnh Hùng (taxi hãng Mai Linh) chia sẻ, thông điệp từ buổi lễ rất mạnh mẽ, khiến những người tham gia như anh không khỏi không suy nghĩ. “Tôi mới lái xe được khoảng 3 năm nên còn phải trau dồi thêm kinh nghiệm rất nhiều, không chỉ để đảm bảo an toàn cho hành khách mà còn cho chính bản thân mình.
Thường xuyên phải lái xe trên đường, tôi từng chứng kiến nhiều người tham gia giao thông có ý thức chưa tốt, dù say xỉn vẫn lái xe, nhất là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu. Mong sao mỗi người đều có ý thức chấp hành Luật GTĐB, không để xảy ra những điều đáng tiếc”, anh Hùng bộc bạch.
Mỗi ngày 20 người chết, thiệt hại 400 - 500 tỷ đồng
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 10 tháng của năm 2019, cả nước xảy ra hơn 14.000 vụ TNGT, làm chết hơn 6.000 người, bị thương trên 10.000 người (so với cùng kỳ năm 2018 giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương). Đặc biệt, số người chết trong 10 tháng giảm 5,33% so với năm 2018.
Theo ông Hùng, năm nay là năm đầu tiên kể từ năm 2014, cả nước đã kéo giảm được 5% TNGT, đạt mục tiêu đề ra. TNGT giảm, Việt Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền cũng như xử lý những vi phạm. Số người bị xử lý về nồng độ cồn, ma túy trong 10 tháng đầu năm cao hơn 2 lần so với năm ngoái. Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, ban, ngành, chứng tỏ giải pháp nỗ lực về đảm bảo trật tự ATGT đúng và trúng vì trong điều kiện phương tiện giao thông tăng rất nhanh.
Ông Hùng cho biết, mỗi ngày TNGT làm hơn 20 người ra đường và vĩnh viễn không trở về nhà. TNGT đang gây thiệt hại về kinh tế mỗi ngày cho đất nước khoảng 400 - 500 tỷ đồng. Do vậy, chúng ta không bao giờ được chủ quan với những kết quả đã đạt được. Trong năm 2020 và những năm tới, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để từng bước kéo giảm và đẩy lùi TNGT…
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/em-uoc-duoc-gap-me-du-chi-5-giay-d442324.html