Eo biển Đài Loan tiếp tục tăng nhiệt

Trung Quốc hôm qua lên tiếng chỉ trích Mỹ là gây rủi ro lớn nhất cho an ninh của khu vực, sau khi một tàu chiến Mỹ đi qua eo biển giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan.

Tàu khu trục tên lửa USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ra thông cáo nói rằng, tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Curtis Wilbur tiến hành chuyến đi định kỳ qua eo biển Đài Loan trong ngày 22/3, tuân thủ luật pháp quốc tế. “Con tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, thông báo cho biết.

Chiến khu miền đông thuộc quân đội Trung Quốc nói rằng, lực lượng của họ đã theo dõi sát và cảnh báo chiến hạm Mỹ. “Phía Mỹ đang cố tình áp dụng lại thủ đoạn cũ, gây rối và phá vỡ mọi thứ ở eo biển Đài Loan. Điều này cho thấy Mỹ là kẻ gây rủi ro lớn nhất cho an ninh khu vực, và chúng tôi kiên quyết phản đối”, Reuters dẫn tuyên bố cho biết.

Cơ quan quân sự Đài Loan (Trung Quốc) nói rằng, con tàu đi về phía bắc qua eo biển và “tình hình vẫn bình thường”. Cách đây 1 tháng, tàu USS Curtis Wilbur cũng đi qua eo biển này.

Chuyến đi mới nhất diễn ra 1 tuần sau khi Đài Loan (Trung Quốc) tố cáo Bắc Kinh điều số lượng máy bay nhiều chưa từng thấy xâm phạm không phận của hòn đảo. 28 máy bay quân sự, trong đó có các máy bay tiêm kích và ném bom hạt nhân, đi vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan (Trung Quốc).

Máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan

Máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan

Trước đó, các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và Bắc Kinh đáp trả rằng đó là những lời lẽ “vu khống”. Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động thường kỳ qua eo biển Đài Loan với tần suất khoảng 1 tháng, bất chấp sự phẫn nộ của Trung Quốc.

Điều tàu sân bay đến giám sát

Hải quân Mỹ cho biết, sẽ đưa nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đến giám sát hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương từ cuối mùa hè này, lấp vào khoảng trống mà nhóm tàu sân bay Ronald Reagan để lại vì phải đến Trung Đông để hỗ trợ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, việc triển khai luân phiên các nhóm tàu sân bay tác chiến ở khu vực cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện diện quân sự nhằm đối phó với sự quyết liệt của quân đội Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Tuần trước, nhóm tàu Carl Vinson thực hiện đợt diễn tập gần Hawaii với các đơn vị chiến đấu khác để chuẩn bị cho chuyến đi đến Ấn Độ - Thái Bình Dương, thông báo của Hải quân Mỹ ngày 22/9 cho biết.

Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở TP Cao Hùng, cho rằng việc triển khai hai nhóm tàu sân bay đến Ấn Độ - Thái Bình Dương đã trở thành hoạt động quân sự thường kỳ của Mỹ ở khu vực từ khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh quốc gia, và chính quyền Tổng thống Joe Biden kế thừa quan điểm này.

“Việc duy trì hai nhóm tàu sân bay tác chiến đã trở thành sự kết hợp bình thường của Mỹ ở khu vực trong 2 năm qua. Liệu Mỹ có đưa lực lượng, trang thiết bị và vũ khí từ Afghanistan sang Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tương lai hay không”, ông Lu nói với báo South China Morning Post.

Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng tàu sân bay Reagan từ căn cứ Yokosuka của Nhật Bản đến Afghanistan rồi sẽ quay về, nhưng điều này không phải là mối đe dọa đối với quân đội Trung Quốc, trừ khi tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald Ford được đưa đến khu vực.

Tàu sân bay lớp Ford được trang bị những công nghệ hiện đại nhất thế giới, như hệ thống phóng máy bay điện từ. Tàu này vừa thực hiện thành công thử nghiệm sức chịu đựng một vụ nổ cực mạnh để thử khả năng chống chịu, theo video mà hải quân Mỹ đăng tên Twitter cuối tuần qua.

“Trung Quốc đã thử nghiệm tương tự với các tàu nổi kích thước nhỏ và trung bình, nhưng chưa thử nghiệm với những tàu lớn như hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông”, ông Zhou nói. Chuyên gia này cho biết, các chuyên gia, quan chức quân sự và các hãng chế tạo tàu quân sự Trung Quốc đang rất chú ý đến thử nghiệm cho nổ sát tàu Ford. “Thử nghiệm đó liên quan đến nhiều vấn đề kỹ thuật và chuẩn bị cẩn thận, cần lên kế hoạch trước mấy năm. Thế hệ tàu sân bay tới đây của Trung Quốc với hệ thống phóng điện từ cũng cần thử nghiệm tương tự, và họ có thể học kinh nghiệm từ vụ nổ thử tàu USS Ford”- Ông Zhou nói.

Hải quân Mỹ thực hiện vụ thử bằng 18 tấn thuốc nổ, tạo nên một trận động đất mạnh 3,9 độ richter mà Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ đo được. Mục đích của thử nghiệm này là kiểm tra xem thiết kế mới của tàu có đáp ứng được các điều kiện khắc nghiệt có thể gặp phải trên chiến trường hay không. Hải quân Mỹ cho biết đây là thử nghiệm rung lắc đầy đủ đầu tiên mà họ thực hiện đối với tàu sân bay trong 3 thập kỷ qua. Thử nghiệm gần đây nhất được thực hiện với tàu USS Theodore Roosevelt vào năm 1987.

THU LOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/eo-bien-dai-loan-tiep-tuc-tang-nhiet-post1348751.tpo