Erich Fromm: Khám phá vũ trụ nội tại trong ta

'Xã hội tỉnh táo', 'Trốn thoát tự do' và 'Nghệ thuật yêu' là ba trong số rất nhiều cuốn sách của Eric Fromm đưa ra những góc nhìn vào chỉnh thể phức tạp của thế giới tâm lý con người.

Mỗi hành vi con người thực hiện trong cuộc sống đều ít nhiều xuất phát từ các biến động tâm lý nội tại dưới tác động từ ngoại cảnh. Bởi vậy tâm lý học là một môn khoa học đặc biệt. Những chủ đề, hiện tượng tâm lý học nghiên cứu, cả trên cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng, đều rất quen thuộc song luận giải những cơ chế ẩn sau chúng thật không dễ.

Erich Fromm là một nhà tâm lý học xã hội người Đức gốc Do Thái đã trải qua phần lớn sự nghiệp tại Mỹ sau khi phải rời khỏi quê hương để tránh sự truy bức người Do Thái của chế độ Quốc xã.

Sống trong thời kỳ thế giới trải qua nhiều biến động (Thế chiến Thứ hai, chiến tranh lạnh...), Erich Fromm có cơ hội trực tiếp theo dõi sự biến đổi tâm lý của con người giữa bối cảnh nhiều biến động. Tất cả đều trở thành nguồn tư liệu nghiên cứu dồi dào để ông đúc kết thành các quan điểm, luận cứ cá nhân trong những tác phẩm của mình.

Xã hội tỉnh táo (The sane society), Trốn thoát tự do (Escape from freedom), Nghệ thuật yêu (The art of loving) là ba trong số rất nhiều cuốn sách Eric Fromm đã viết. Không hẳn là ba chủ đề biệt lập như tên gọi mà đưa ra ba góc nhìn vào chỉnh thể phức tạp của thế giới tâm lý con người, gồm cả phần nội tâm của mỗi cá nhân lẫn sự tương tác giữa các cá thể để hình thành nên xu hướng, tiến trình xã hội.

Nghệ thuật yêu đề cập tới một góc nhìn quen thuộc nhất, bởi đây là cảm xúc hầu như ai cũng sở hữu, dù với các đặc tính riêng. Erich Fromm phân tích về “yêu” như một thứ nghệ thuật tâm lý mà người ta có thể và bắt buộc phải học hỏi, rèn luyện để hiểu, thành thục và làm chủ.

Trong cuốn sách, tác giả bàn về những hình thức tình yêu phổ biến nhất của con người, khía cạnh trừu tượng và mặt thể xác đồng hành với nó như một “lý thuyết về yêu”. Ngoài ra, còn có sự cô đơn và đổ vỡ của tình yêu trong xã hội hiện đại và những đòi hỏi nỗ lực ở mỗi cá nhân để thực hành yêu một cách nghệ thuật, đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho cặp đôi.

Trốn thoát tự do bàn về một khái niệm vừa quen vừa lạ. Nghịch lý là con người vừa thèm muốn truy cầu tự do, nhưng đồng thời cảm thấy không thoải mái và tìm cách “trốn thoát” khỏi nó.

Đồng hành theo các lập luận, kiến giải của Erich Fromm, độc giả được hiểu sâu hơn về tự do nhìn từ góc độ tâm lý học và phải nhìn nhận lại cách hiểu tự do của bản thân đã chính xác, đúng bản chất nội hàm của khái niệm hay chưa?

Tác giả điểm lại tiến trình hình thành, biến đổi của khái niệm tự do trong lịch sử xã hội loài người; chỉ ra những thực thể có lúc là động lực thúc đẩy nhưng nhiều khi lại là trở ngại trói buộc tự do. Nên nhớ tự do không phải là rũ bỏ mọi ràng buộc, mà luôn có ràng buộc đi kèm. Tự do đòi hỏi trả giá nhất định, không phải lúc nào cũng được mọi người thấu hiểu, dẫn tới cơ hội tồn tại cho những tư tưởng chính trị áp bức như chế độ Quốc xã.

Từ phân tích này, Fromm chỉ ra tầm quan trọng sống còn của việc tranh đấu bảo vệ những giá trị nhân văn tốt đẹp, đặt hạnh phúc của con người lên cao nhất, coi đây là mục đích tối hậu bất biến của tự do đúng nghĩa.

Xã hội tỉnh táo nhìn nhận về tâm lý tập thể của con người ở mức độ xã hội. Eric Fromm so sánh trạng thái lành mạnh về tinh thần của xã hội với sự sáng suốt về tâm thức của mỗi con người để lý giải những hiện tượng mang tính suy đồi (nghiện ngập, tội phạm, bạo lực…).

Tác giả phân tích về cách con người nhận thức giá trị tốt đẹp trong quan hệ xã hội và phương pháp duy trì, truyền bá. Gần như trong suốt lịch sử tồn tại của xã hội loài người, ở mỗi giai đoạn đều có thang đạo đức tiêu chuẩn giúp các mối quan hệ lành mạnh, giảm thiểu tiêu cực. Thế nhưng, mọi nỗ lực dường như đều nửa vời...

Erich Fromm sử dụng lập luận và minh chứng của mình để đi tới kết luận rằng xã hội chỉ tốt lên khi mọi mối quan hệ được cải thiện thực chất, tạo nên sự tiến bộ tổng thể, đem đến cho mọi người cơ hội có chỗ đứng trong xã hội.

Lê Đình Chi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-sach-ve-tam-ly-con-nguoi-cua-eric-fromm-2151518.html