ESG là thách thức hay cơ hội?
Thực hành ESG một cách phù hợp giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tạo ra lợi nhuận bền vững, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh với những doanh nghiệp, nhà đầu tư tiên tiến trên thế giới.
Tại một doanh nghiệp sản xuất gốm sứ hàng đầu Việt Nam, trước đây, chi phí năng lượng cung cấp cho lò nung gốm chiếm đến hơn 50% tổng chi phí hoạt động. Vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành gốm sứ, doanh nghiệp này vẫn nghĩ rằng chi phí đó đã là tối ưu nhất có thể.
Tuy nhiên, đến khi làm việc với các chuyên gia của Quỹ đầu tư Vinacapital, doanh nghiệp này mới nhận ra, có những hành động hết sức đơn giản để tiết kiệm hiệu quả chi phí vận hành lò nung, ví dụ như phơi khô đồ gốm, phơi khô củi trước khi nung. Thực hành những giải pháp này giúp doanh nghiệp giảm khoảng 20 – 25% chi phí nhiên liệu, lại hạn chế được lượng khí thải nhà kính xả ra môi trường.
Câu chuyện về doanh nghiệp gốm sứ này được ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của Quỹ đầu tư VinaCapital, kể lại tại hội thảo “Kinh doanh bền vững, chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh”, như một ví dụ đơn cử cho thấy tiềm năng tạo ra giá trị từ việc triển khai các giải pháp ESG.
Chi phí triển khai với chi phí “không triển khai” ESG
Thực hành phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG đã trở thành xu thế lớn trên toàn thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt khi những biến động toàn cầu khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận ra lợi nhuận không phải là tất cả và phát triển bền vững có thể là chìa khóa đem lại kết quả kinh doanh bền vững.
Thực tế, triển khai các giải pháp ESG tại Việt Nam không phải là điều mới mẻ, thậm chí đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện từ rất sớm. Khảo sát của Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho thấy, có đến 80% doanh nghiệp đã đưa ra cam kết về ESG hoặc có kế hoạch triển khai ESG.
Quỹ đầu tư 'đỏ mắt' tìm doanh nghiệp tích hợp ESG
Tuy nhiên, từ cam kết, kế hoạch đến với thực tiễn vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp dù nhận ra xu thế tất yếu nhưng vẫn dè chừng, chưa dám triển khai ESG do lo ngại nhiều yếu tố, bao gồm nguồn lực và tài chính.
Nói về điều này, ông Công nhận định, doanh nghiệp lo ngại chi phí triển khai ESG tương đối cao, tuy nhiên lại chưa tính đến chi phí “không triển khai” ESG. Thực tế chi phí của việc “không triển khai” ESG có khi còn lớn hơn rất nhiều, ví dụ như ngành dệt may thời gian qua đã mất một lượng lớn đơn hàng vào tay đối thủ cạnh tranh đến từ Ấn Độ, Bangladesh do doanh nghiệp ở những nước này đã có kế hoạch thực hành ESG trước doanh nghiệp Việt Nam một bước.
Bên cạnh đó, triển khai ESG cũng đem lại cho doanh nghiệp nhiều giá trị và cơ hội, không chỉ là giảm thiểu chi phí hoạt động như ví dụ về doanh nghiệp gốm sứ, mà còn là cơ hội được tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi, hợp tác làm ăn với những doanh nghiệp, nhà đầu tư chất lượng.
Đồng quan điểm, ông Trương Vĩnh Khang, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững của Viện Tiêu chuẩn Anh quốc (BSI), nhận xét, doanh nghiệp có hoạt động tuân thủ tiêu chuẩn ESG thì ngay nội tại doanh nghiệp đã có nhiều giá trị nâng cao, chưa kể đến những giá trị từ phía đối tác hay chuỗi cung ứng.
Mặt khác, thực hành ESG cũng không còn là quá khó khăn, đặc biệt khi những tiêu chuẩn, tiêu chí về ESG đang được công bố rộng rãi, rất dễ dàng để tiếp cận. Lựa chọn bộ tiêu chí phù hợp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể căn chỉnh hoạt động của mình sao cho thực hành ESG tạo ra hiệu quả tối ưu, từ đó tiết giảm được đáng kể chi phí.
Cơ hội tiếp cận vốn xanh
Ông Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia tư vấn thuộc dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân – Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID IPSC), thuật lại lời của những chuyên gia đến từ Sáng kiến trái phiếu khí hậu trong một sự kiện quốc tế mới đây, rằng “thế giới chưa bao giờ có nhiều tiền mặt như bây giờ”.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được nguồn tiền này, bởi nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm và mong muốn đầu tư vào những dự án, những doanh nghiệp không chỉ đem đến lợi nhuận mà còn là giá trị thiết thực cho môi trường và xã hội.
Đứng trước cơ hội khi có nguồn tài chính khổng lồ sẵn sàng rót vào các dự án phát triển bền vững nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không khỏi băn khoăn rằng liệu nên triển khai ESG trước để tiếp cận nguồn vốn này hay tìm cách tiếp cận, xin đầu tư trước rồi mới lấy nguồn vốn đầu tư đó để triển khai ESG?
ESG – Đã đến lúc tư nhân phải biến ý định thành hành động
Trả lời cho thắc mắc “con gà quả trứng” của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nam khẳng định, doanh nghiệp nếu không có hoạt động triển khai ESG thì không bao giờ có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn phát triển bền vững.
“Các nhà đầu tư này sẽ tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp trước, nếu thấy công bố về hoạt động ESG của doanh nghiệp thì họ mới bắt đầu đặt vấn đề”, ông Nam nhấn mạnh.
Như vậy, doanh nghiệp cần phải triển khai hoạt động ESG trước khi nghĩ đến việc tiếp cận nguồn vốn xanh trên thế giới. Mặt khác, hoạt động công bố thông tin, truyền thông về việc triển khai ESG cũng rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Đây cũng là bước bắt đầu cho chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp, theo VinaCapital. Ông Công cho biết, tích cực truyền thông về tầm nhìn và hành động của doanh nghiệp sẽ tạo ra động lực để củng cố các cam kết, đồng thời hướng đến tạo ra những giá trị cao hơn.
Đối với những doanh nghiệp chưa triển khai được nhiều các tiêu chuẩn ESG, theo ông Công, doanh nghiệp có thể công bố một cách minh bạch những điều mình đã làm được, những điều còn hạn chế kèm theo giải pháp để giải quyết.
“Doanh nghiệp nhận thức tốt về bản thân, có kế hoạch hành động rõ ràng sẽ được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, bởi nhà đầu tư chấp nhận rằng doanh nghiệp tại Việt Nam có thể sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để triển khai hiệu quả ESG so với những nước phát triển”, chuyên gia VinaCapital nhấn mạnh.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/esg-la-thach-thuc-hay-co-hoi-1680881181380.htm