EU bắt đầu sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson
Sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) xác nhận có thể tồn tại mối liên hệ giữa vaccine ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson (J&J) và tình trạng xuất hiện cục máu đông sau khi tiêm chủng song khẳng định loại vaccine này mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã quyết định bắt đầu sử dụng vaccine của J&J.
Sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) xác nhận có thể tồn tại mối liên hệ giữa vaccine ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson (J&J) và tình trạng xuất hiện cục máu đông sau khi tiêm chủng song khẳng định loại vaccine này mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã quyết định bắt đầu sử dụng vaccine của J&J.
Đầu tuần này, EMA ra thông cáo cho rằng nên coi tình trạng xuất hiện cục máu đông và giảm tiểu cầu trong máu là tác dụng phụ rất hiếm gặp sau khi tiêm vaccine J&J. Theo EMA, cảnh báo này nên được bổ sung vào thông tin sản phẩm vaccine.
EMA cho rằng các nước thành viên EU nên tự quyết định về việc sử dụng vaccine của J&J trên cơ sở thực trạng và nhu cầu trong nước. Một số quốc gia cũng có thể sẽ giới hạn nhóm tuổi được tiêm vaccine của J&J tương tự trường hợp vaccine của AstraZeneca. Cả vaccine của AstraZeneca và J&J đều sử dụng công nghệ vector virus.
Các cơ quan y tế khu vực tại Tây Ban Nha bắt đầu tiêm chủng vaccine của J&J từ ngày 22-4, cho người từ 70 đến 79 tuổi. Gần 150 nghìn liều vaccine đã tới Tây Ban Nha từ tuần trước, nhưng chúng được bảo quản trong nhà kho để chờ các cơ quan chức năng đưa ra kết luận về tám trường hợp tại Mỹ xuất hiện cục máu đông hiếm gặp và giảm tiểu cầu trong máu sau tiêm chủng.
Hà Lan thông báo sẽ bắt đầu sử dụng vaccine của J&J từ tuần tới. Trong khi đó, Bộ Y tế Đức cho biết, vaccine này sẽ được tiêm tại các trung tâm tiêm chủng nhà nước sớm nhất có thể và sẽ được các bác sĩ gia đình sử dụng từ đầu tháng 5 tới. Ủy ban Vaccine của Đức chưa xác nhận việc có giới hạn độ tuổi tiêm chủng hay không. Đức khuyến cáo nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho người từ 60 tuổi trở lên, tuy nhiên cho phép người ít tuổi hơn được tiêm vaccine này trong trường hợp họ đã được thông báo về các rủi ro.
Pháp, quốc gia đã nhận 200 nghìn liều vaccine của J&J, sẽ bắt đầu tiêm chủng vào ngày 24-4. Trong tháng này, Cơ quan Giám định chất lượng y tế Pháp (HAS) đã phê chuẩn sử dụng vaccine của J&J cho người từ 55 tuổi trở lên, tương tự nhóm tuổi được tiêm vaccine của AstraZeneca.
Bộ Y tế Italy cho rằng, vaccine của J&J nên được tiêm cho người từ 60 tuổi trở lên. Hy Lạp sẽ bắt đầu phân phối vaccine này từ ngày 5-5 tới. Đan Mạch, quốc gia đã ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca, sẽ thông báo quyết định về việc tiêm vaccine của J&J vào tuần tới.
Iceland, quốc gia cấm sử dụng vaccine của AstraZeneca cho người từ 60 tuổi trở lên, sẽ triển khai tiêm vaccine của J&J vào tuần tới và không giới hạn độ tuổi tiêm chủng trong thời gian này.
J&J đã ký kết bàn giao 55 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho EU đến cuối tháng 6 tới. Dự kiến EU sẽ nhận 400 triệu liều vaccine của bốn hãng khác nhau trong quý II-2021.
Ủy ban châu Âu nhiều lần khẳng định, các nước thành viên EU sẽ nhận đủ vaccine để thực hiện mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% người trưởng thành vào trung tuần tháng 7. Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu đạt tỷ lệ này, các quốc gia có thể có miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19.