EU bắt đầu vay nợ
Ngày thứ ba 20-10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã phát hành đợt trái phiếu đầu tiên để có nguồn tiền đương đầu với Covid-19. Lượng trái phiếu trị giá 17 tỷ EUR này được phát hành dưới dạng trái phiếu xã hội (social bond), theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA).
EC xếp lượng trái phiếu này, cùng với số còn lại trong kế hoạch 100 tỷ EUR là trái phiếu xã hội, bởi tiền huy động được sẽ dùng cho chương trình hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thất nghiệp khẩn cấp (chương trình SURE).
Một bất ngờ lớn là nhu cầu đặt mua của thị trường lên đến 233 tỷ EUR, vượt rất xa nhu cầu huy động. Vì sao có sự thành công như vậy? Sự khởi đầu suôn sẻ này có thể hy vọng cho các đợt phát hành sắp tới hay không?
Có một số lý do có thể giải thích cho sự thành công của đợt phát hành vừa qua. Thứ nhất, đây là trái phiếu xã hội, là loại trái phiếu rất được các quỹ đầu tư theo tiêu chí trách nhiệm, môi trường ưa thích.
Tại châu Âu, không chỉ các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân cũng ngày càng tạo nhiều áp lực cho các quỹ đầu tư được ủy thác đầu tư vào các danh mục có tác động tích cực đến môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp (ESG investing).
Thứ hai, các nhà đầu tư biết rằng có một thế lực đứng đằng sau là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong trường hợp cần thiết sẽ mua lại hết các trái phiếu này. Lý do thứ ba trần trụi hơn, là bởi thị trường nhận định trái phiếu đợt này có chất lượng Đức giá Pháp.
Trong số 17 tỷ EUR phát hành, có 10 tỷ EUR trái phiếu thời hạn 10 năm, lãi suất -0,26% gần bằng lãi suất trái phiếu chính phủ Pháp -0,3%, chênh lệch khá nhiều với lãi suất của trái phiếu Đức -0,6%.
Trong khi đó, EU và Đức được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm rất cao. Đầu tư vào trái phiếu của EU và Đức được coi là khoản đầu tư an toàn nhất vì được xếp vào nhóm tài sản có tỷ trọng rủi ro 0% theo Basel III, và nguồn cung của trái phiếu chính phủ Đức luôn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhưng nhu cầu của EU ngoài gói 100 tỷ EUR cho chương trình SURE, là gói 750 tỷ EUR cho kế hoạch tái thiết nền kinh tế. Về nguyên tắc, 27 nước thành viên đồng ý chia 750 tỷ EUR thành 390 tỷ EUR cho tài trợ không hoàn lại và 360 tỷ EUR cho vay với lãi suất thấp, sau 4 ngày đàm phán căng thẳng hồi tháng 7 vừa qua. Tuy vậy, chi tiết việc phân bổ và thực hiện như thế nào vẫn còn nhiều câu hỏi phía trước.
Trong trường hợp EU vượt được chướng ngại vật vừa đề cập ở trên, nhiều khả năng EU phải dựa thêm vào một số đợt phát hành trái phiếu mới, bổ sung cho các khoản thuế dự định thu nhưng không đủ. Chẳng hạn, EU đã thông qua thuế sử dụng nhựa, có hiệu lực từ 1-1-2021 với mức 0,8EUR/kg, dự kiến thu về cho ngân sách khoảng 7 tỷ EUR/năm.
Thuế khí thải thông qua điều chỉnh lại hệ thống ETS (Emission Trading System), thuế giao dịch tài chính và thuế dịch vụ số nhắm vào các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, được dự kiến là những nguồn thu quan trọng để bù vào khoản chi 750 tỷ EUR và ngân sách mở rộng lên đến 1,8 ngàn tỷ EUR cho giai đoạn 2021-2027.
Nhưng cũng không thể chắc chắn 100% việc ECB thoải mái mua lại các trái phiếu và lãi suất cứ thấp mãi như hiện nay. Nhà đầu tư vẫn còn lo ngại sự khác biệt về chính sách tài khóa của từng quốc gia thành viên: người tiết kiệm, kẻ tiêu hoang. Lãi suất thấp và trách nhiệm tập thể trong chừng mực nào đó lại khuyến khích một vài nước thành viên thoải mái vay nợ để chi tiêu.
Tuy vậy, nếu ECB vẫn giữ giọng của mình như là tấm chắn cuối cùng, và các trái phiếu phát hành trong tương lai được xếp vào danh mục trái phiếu đầu tư có trách nhiệm như xã hội, môi trường, trái phiếu EU vẫn còn sức hút.
----------
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/eu-bat-dau-vay-no-85046.html