EU bình luận về khả năng mở rộng G7, Mỹ chính thức mời Ấn Độ tham dự Hội nghị
Ngày 2/6, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này coi Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là cơ chế hợp tác đa phương quan trọng, vốn không thể bị thay đổi về thể thức chỉ bằng đề nghị của nước đang giữ chức Chủ tịch.
EU coi Hội nghị thượng đỉnh G7 là cơ chế hợp tác đa phương quan trọng, vốn không thể bị thay đổi về thể thức chỉ bằng đề nghị của nước đang giữ chức Chủ tịch. (Nguồn: Xinhua)
Người phát ngôn của EU nói: “Sự tham dự của Nga trong hội nghị G8 đã bị tạm dừng cho tới khi Moscow thay đổi quan điểm và xây dựng mội trường cho phép Hội nghị có lại các cuộc thảo luận hiệu quả”.
Tuyên bố mới nhất của EU được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/5 thông báo sẽ mời thêm Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng vào mùa Thu năm nay.
Sau đó, Anh đã bình luận về đề nghị của Mỹ về việc mời Nga tham dự hội nghị G7 mở rộng. Ngày 1/6, người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết không ủng hộ việc kết nạp lại Nga vào Nhóm G7. Tuy nhiên, quan chức này cũng cho rằng các nước chủ nhà đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm có quyền quyết định mời lãnh đạo nào làm khách.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/6, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada không ủng hộ Nga quay trở lại Nhóm G7 như đề xuất hồi cuối tuần qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong diễn biến liên quan, trang mạng Live Mint ngày 2/6 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến được tổ chức tại Mỹ trong thời gian tới.
Trong cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề khác. Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn mở rộng nhóm G7 ra ngoài phạm vi các thành viên hiện nay để bao gồm các quốc gia quan trọng khác, trong đó có Ấn Độ.
Thủ tướng Modi thừa nhận một diễn đàn mở rộng như vậy sẽ phù hợp với thực tế mới nổi của thế giới hậu Covid-19. Ấn Độ vui mừng hợp tác với Mỹ và các quốc gia khác để đảm bảo thành công của hội nghị thượng đỉnh được đề xuất.
Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề thời sự khác, như tình hình dịch bệnh Covid-19 ở hai nước, xung đột ở biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và sự cần thiết phải cải cách Tổ chức Y tế thế giới (WHO).