EU chia rẽ sau hàng loạt chuyến thăm đến Trung Quốc?
Chuyến đi của Tổng thống Pháp Macron và hàng loạt quan chức châu Âu tới Trung Quốc đặt ra câu hỏi về cách tiếp cận của EU giữa Bắc Kinh và Washington.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có phát biểu gây tranh cãi hôm 12/4 khi cho biết Paris là một đồng minh chứ không phải “chư hầu” của Washington.
Khi đồng minh lâu năm nhất lên tiếng
“Là đồng minh không có nghĩa là chư hầu... không có nghĩa là chúng ta không có quyền suy nghĩ cho chính mình”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói tại Amsterdam, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Các bình luận được đưa ra không lâu sau chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Pháp hôm 9/4, tại đó ông Macron lập luận rằng Liên minh châu Âu (EU) không nên "đi theo Mỹ”, nhấn mạnh việc gây căng thẳng về Đài Loan (Trung Quốc) không phải là lợi ích của khối.
Bình luận của ông Macron vấp phản ứng gay gắt từ quan chức Mỹ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Pháp là một đồng minh lâu đời và những bất đồng không làm giảm đi “mối quan hệ đối tác sâu sắc" giữa Washington và Paris.
Pháp từ lâu đã được tôn vinh là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, kể từ năm 1778 khi chế độ quân chủ Pháp công nhận nền độc lập của Mỹ. Pháp cũng cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Leon Hadar, chuyên gia quan hệ quốc tế bình luận trên National Interest, từ lâu, lợi ích quốc gia, chứ không phải chủ nghĩa lý tưởng, mới là thứ thúc đẩy chính sách đối ngoại của Pháp – bao gồm cả quan hệ với Mỹ.
Tính toán của EU
Theo Foreign Policy, phát biểu của Tổng thống Pháp cho thấy động lực sâu xa hơn cho chuyến đi tới Trung Quốc: rằng Liên minh châu Âu muốn có tiếng nói của riêng mình trong các vấn đề thế giới và không để bị chi phổi bởi Washington hay Bắc Kinh.
Đằng sau những cánh cửa đóng kín, các nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng về việc bước vào một xung đột công khai với Trung Quốc. Dù người châu Âu cũng có những khác biệt với Trung Quốc, họ không cảm thấy thoải mái khi bị lôi kéo vào cuộc đối đầu.
Trên khắp lục địa châu Âu, các nhà lãnh đạo điều chỉnh cẩn thận cách tiếp cận của họ đối với Bắc Kinh và cố gắng cân bằng lợi ích kinh tế với các ưu tiên khác. Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đến Trung Quốc, không phải là những chuyến thăm riêng lẻ.
Vài tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tới Trung Quốc, sau đó vài tuần là Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez. Cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp thân mật với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đang bận rộn đàm phán các thỏa thuận kinh doanh cho mỗi nước. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cũng có kế hoạch tới Bắc Kinh vào tháng 5 để làm điều tương tự. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đến thăm Trung Quốc trong Thế vận hội Mùa đông 2022, bất chấp sự phản đối của các quốc gia khác trong khối.
Và trong lợi ích kinh tế, Mỹ có thể đã làm làm châu Âu nghi ngại. “Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU”, cơ quan xuyên Đại Tây Dương, đóng vai trò như một diễn đàn ngoại giao để điều phối công nghệ và chính sách thương mại giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu đã không tỏ ra hiệu quả trong việc tạo ra các tiêu chuẩn chung về kĩ thuật số và chuỗi cung ứng. Các chính sách bảo hộ như thuế thép của Mỹ cũng gây tranh cãi với EU.
Hơn nữa, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu nghi ngờ Washington đặt ra tiêu chuẩn kép. Chẳng hạn, trong khi Mỹ gây sức ép buộc châu Âu tách khỏi quan hệ với Trung Quốc, thì thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 690 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi Hiệp định toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc bị gác lại sau nhiều áp lực xuyên Đại Tây Dương—và trong một phần là do Trung Quốc trừng phạt một số quan chức EU—thỏa thuận thương mại giai đoạn một của chính quyền Trump với Bắc Kinh vẫn còn hiệu lực.
Yếu tố Pháp
Trong sáu năm qua, tham vọng của Tổng thống Pháp Macron là tăng cường quyền tự chủ của châu Âu, bảo vệ cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng quan trọng, đồng thời phát triển các công cụ địa chính trị cần thiết để lục địa này cạnh tranh và bảo vệ lợi ích cũng như an ninh của chính mình.
EU đã bắt đầu đạt được một số mục tiêu. Khối đồng ý về các cơ chế bảo vệ các thành viên trước áp lực thương mại. Đạo luật về chip của EU, đạo luật về công nghiệp net zero và đạo luật về nguyên liệu thô quan trọng có thể là những bước quan trọng để EU giảm phụ thuộc nhiều về pin, nguyên liệu thô, hydro và linh kiện điện tử.
Và Pháp đã đi đầu trong những nỗ lực này. Về các vấn đề công nghệ lớn hơn, Pháp là một trong những quốc gia hạn chế Huawei nhất và các công chức của nước này đã bị cấm tải TikTok. Như bà von der Leyen đã nói trước đây, mục tiêu không phải là tách rời hoàn toàn, mà là “giảm thiểu rủi ro” cho các ngành công nghiệp châu Âu khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các vấn đề quân sự cũng dần có dấu hiệu chuyển biến. Chi tiêu quốc phòng đang gia tăng trên khắp lục địa châu Âu. Pháp đã tăng ngân sách quốc phòng lên thêm 25% so với mức bình quân kể từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Macron bắt đầu vào năm 2017, và hiện đang xem xét một dự luật nhằm tiếp tục xu hướng này. Đức, các quốc gia Bắc Âu và Ba Lan đã công bố mức tăng tương tự.
Thêm vào đó, châu Âu cuối cùng cũng “tái hòa nhập” với khu vực lân cận - với sự tập trung mới vào hội nhập khu vực ở Tây Balkan hoặc Đông Âu. Sự ra mắt của Cộng đồng chính trị châu Âu do Pháp dẫn đầu được xem là một khởi đầu đầy hứa hẹn cho việc phát triển hợp tác và cơ sở hạ tầng trong một loạt vấn đề quan trọng.
Theo Sputnik, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng được cho là đang hy vọng hợp tác với Trung Quốc trong một “kế hoạch bí mật” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đưa Moskva và Kiev ngồi vào bàn đàm phán vào mùa hè. Theo truyền thông, kế hoạch đang được thực hiện bởi cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của ông Macron là Emmanuel Bonne và ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc. Dù vậy các chi tiết của kế hoạch cũng chưa rõ ràng.
Theo một số nhà quan sát, bối cảnh chính trị trong nước và sự dịch chuyển quyền lực kinh tế và chính trị ngày càng rõ rệt từ Washington sang châu Á có thể là một lời giải thích khác cho những bước đi của nhà lãnh đạo Pháp. Mặt khác, phát biểu của ông Macron cũng có thể thể hiện sự tức giận trong thời gian dài với Washington và London về thông báo bất ngờ của Australia, Anh và Mỹ vào năm 2021 khi thành lập hiệp ước an ninh AUKUS, khiến Paris mất hợp đồng tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Ngoại trưởng Đức bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc nhằm tái khẳng định chính sách chung của Liên minh châu Âu đối với Bắc Kinh, vài ngày sau khi bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện sự xáo trộn trong cách tiếp cận của lục địa này đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà phân tích châu Âu đã xem những bình luận của ông Macron như một “món quà” cho nguy cơ rạn nứt xuyên Đại Tây Dương.
Các nhà phân tích cho biết, do đó, kỳ vọng với chuyến đi của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tăng lên, với nhiều thành viên EU hy vọng Berlin sẽ sử dụng cơ hội này để đưa ra một đường lối rõ ràng và thống nhất của EU đối với Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng kêu gọi Liên minh châu Âu duy trì lập trường chung đối với Trung Quốc, cụ thể là đa dạng hóa mối quan hệ và tận dụng tốt hơn các công cụ phòng vệ thương mại của mình.
“Tôi tin rằng chúng ta có thể và chúng ta phải tạo ra cách tiếp cận châu Âu khác biệt của riêng mình, đồng thời tạo ra không gian để chúng ta hợp tác với các đối tác khác”, von der Leyen nói thêm.
Phát biểu trước bà, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, nói rằng các quốc gia EU cần thống nhất tiếng nói của họ đối với Trung Quốc, hoặc ít nhất là “cố gắng nói trên cùng một tầng sóng”.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/eu-chia-re-sau-hang-loat-chuyen-tham-den-trung-quoc-ar767476.html