EU có thể đạt được các mục tiêu lưu trữ khí đốt trong mùa đông sớm hơn 2 tháng
Mức dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu đang trên đà đạt mục tiêu trước mùa đông sớm hơn 2 tháng, một động lực thúc đẩy nền kinh tế của khối sau khi các mối quan hệ năng lượng với Nga gần như bị cắt đứt vào năm ngoái.
Các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU có thể sớm lấp đầy công suất khoảng 100 tỷ mét khối, đáp ứng khoảng 25 - 30% lượng khí đốt tiêu thụ ở EU trong mùa đông. Tuy nhiên, tình hình an ninh năng lượng ở châu Âu vẫn còn mong manh và phụ thuộc vào sự biến động trong nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nên điều này có thể không chắc chắn.
Vào tháng 6/2022, EU đã thiết lập các quy tắc mới giao nhiệm vụ cho các quốc gia thành viên lấp đầy ít nhất 90% công suất của các cơ sở lưu trữ khí đốt trước ngày 1/11 hàng năm bắt đầu từ năm 2023.
Những lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng vào mùa đông năm ngoái đã khiến các quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Đức, phải tài trợ cho việc tích lũy lớn nguồn cung cấp năng lượng vào năm 2022. Do đó, sau một mùa đông tương đối ôn hòa, EU đã kết thúc mùa vụ vào năm 2023 với lượng dự trữ khí đốt cao bất thường.
Lượng khí đốt tích lũy nhanh chóng đã khiến giá giảm, giúp châu Âu tránh được cuộc suy thoái sâu mà nhiều người lo ngại vào năm ngoái.
Theo dữ liệu mới nhất được cung cấp bởi nhóm công nghiệp Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE), mức lưu trữ của EU là 89,9% vào thứ Ba (15/8), với 11 trong số 27 quốc gia thành viên của khối trên mức 90% và hầu hết các quốc gia khác gần với mức đó.
Nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất của khối là Đức, và các cơ sở lưu trữ tại nước này đã đầy 91,6%. Latvia ghi nhận tỷ lệ lưu trữ được lấp đầy thấp nhất là 77%.
Mặc dù EU đã cấm nhập khẩu dầu và than từ Nga, nhưng họ không đưa ra các biện pháp trừng phạt tương tự đối với việc nhập khẩu khí đốt từ nước này. Tuy nhiên, Nga phần lớn đã ngăn nguồn cung khí đốt sang EU bắt đầu từ giữa năm 2022.
Ở một mức độ nào đó, kho dự trữ phình to phản ánh sự yếu kém của nền kinh tế. Nhu cầu công nghiệp đối với khí đốt đã giảm vào năm ngoái khi giá tăng vọt, và nhu cầu đã không quay trở lại, một phần là do hoạt động sản xuất chuyển đến các khu vực có chi phí năng lượng thấp hơn.
Tình hình cung cấp năng lượng cho EU vẫn mong manh trước mùa đông sắp tới khi xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Châu lục này đã thay thế sự phụ thuộc vào tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga bằng sự phụ thuộc vào các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ, Trung Đông và các nơi khác. Từ đầu năm đến nay, nguồn cung khí đốt đã tràn vào châu Âu, một phần do những khó khăn kinh tế của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu của châu Á.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, các cơn bão ở Vịnh Mexico có thể làm hạn chế xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu và một mùa đông cực kỳ lạnh giá trên khắp châu Âu có thể gây căng thẳng cho nguồn cung.
Trong khi đó, các cuộc đình công tại ba nhà máy xuất khẩu LNG lớn ở Úc đã dẫn đến hai đợt tăng giá khí đốt ở châu Âu trong tháng này. Các nhà phân tích tại Citigroup cho biết, các công ty kinh doanh hàng hóa nên chuẩn bị tinh thần cho các thị trường cực kỳ biến động, trong khi Chevron và Woodside Energy - chủ sở hữu nhà máy khí đốt đang cố gắng ngăn chặn các cuộc đình công.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, Stefan de Keersmaecker đã gọi những con số lưu trữ khí mới nhất này là "tin tuyệt vời" cho lục địa.
Để vượt qua mùa đông năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã đề xuất với các quốc gia thành viên cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng. Trên thực tế, người tiêu dùng đã cắt giảm gần 18% nhu cầu, với một nửa trong số đó đến từ các hộ gia đình.
“Tất nhiên chúng tôi vẫn cảnh giác và nhận thức đầy đủ về những rủi ro tiềm ẩn. Nhưng với tất cả các biện pháp được thực hiện trong 15 tháng qua, chúng tôi đang ở vị thế tốt hơn cho mùa đông sắp tới và được trang bị tốt hơn để giảm thiểu tác động của sự biến động của thị trường khí đốt toàn cầu”, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết.
Trong nỗ lực tăng nguồn cung của EU, Ủy ban châu Âu năm nay đã giới thiệu một chương trình mua khí đốt chung, tập hợp nhu cầu của các quốc gia thành viên, trong đó cuộc đấu thầu quốc tế đầu tiên được đưa ra vào tháng 5.