EU có thể trừng phạt một số công ty Trung Quốc trong tuần này vì xung đột Ukraine
Đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ngày mai (10/5) sẽ chính thức thảo luận vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga do xung đột tại Ukraine, trong đó nội dung đáng chú ý là việc sẽ đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt với cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga.
Nhiều tờ báo châu Âu dẫn các nguồn tin ngoại giao tại Brussels cho biết, bản dự thảo về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga đã được Ủy ban châu Âu gửi cho các nước thành viên hôm thứ Sáu tuần trước, 05/5, và sẽ chính thức được Đại sứ các nước EU thảo luận trong cuộc họp tại Brussels vào ngày mai, 10/5. Nội dung chính của gói trừng phạt mới của châu Âu là nhắm vào các bên thứ ba, được cho là giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt trước đó của châu Âu.
Báo chí châu Âu cho biết, một số nước láng giềng của Nga ở vùng Trung Á và vùng Caucasus đặc biệt bị đưa vào tầm ngắm, khi EU cho rằng các nước này gia tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng nhạy cảm của EU rồi sau đó chuyển sang thị trường Nga. Đáng chú ý, một số công ty Trung Quốc cũng bị Ủy ban châu Âu đưa vào danh sách trừng phạt với cáo buộc rằng các công ty này cung cấp các sản phẩm lưỡng dụng, được quân đội Nga sử dụng cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Một số công ty trong số này đã nằm trong danh sách trừng phạt trước đó của Mỹ.
Để gói trừng phạt mới được thông qua, châu Âu cần có sự đồng ý của cả 27 quốc gia thành viên và các cuộc thảo luận dự kiến sẽ kéo dài căng thẳng trong nhiều tuần tới. Tuy nhiên, việc EU thảo luận trừng phạt các công ty Trung Quốc vào đúng thời điểm Ngoại trưởng Trung Quốc, Tần Cương có chuyến công du đầu tiên đến châu Âu trong tuần này chắc chắn sẽ khiến quan hệ giữa EU và Trung Quốc thêm sóng gió. Theo lịch trình, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ thăm Đức, Pháp và Na Uy để thảo luận các vấn đề song phương và không có kế hoạch gặp các quan chức EU.
Quan hệ giữa EU và Trung Quốc biến động và trở nên căng thẳng lên nhiều trong 3 năm qua sau khi hai bên có các động thái trừng phạt trả đũa lẫn nhau đầu năm 2021. Trong thời gian qua, một loạt các quan chức cấp cao châu Âu như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen đã đến thăm Trung Quốc nhằm ổn định quan hệ song phương nhưng hiện tại các nước châu Âu vẫn đang chia rẽ về cách tiếp cận chung với Trung Quốc.
Phát biểu tại một Hội nghị thường niên thảo luận về tương lai châu Âu tổ chức tại thành phố Florence (Italia) trong ngày 08/05, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cho biết, Ủy ban ngoại vụ châu Âu sắp hoàn tất bản dự thảo chính sách đối với Trung Quốc để trình lên Thượng đỉnh EU vào cuối tháng 06/2023 tại Brussels, đồng thời khẳng định, châu Âu chưa từng coi Trung Quốc là mối đe dọa như Nga và vấn đề đối với châu Âu là phải xác định tính chất “đối thủ cạnh tranh” của Trung Quốc.
“Trung Quốc là một đối tác rõ ràng, không có lí do gì để phủ nhận. Trung Quốc cạnh tranh với châu Âu nhưng về mặt kinh tế thì Mỹ cũng cạnh tranh với châu Âu. Trung Quốc là một đối thủ nhưng cần phải xác định là đó là đối thủ như thế nào. Tôi nghĩ chúng ta không nên phản đối sự trỗi dậy của Trung Quốc vì có muốn hay không thì Trung Quốc cũng sẽ là một siêu cường. Vấn đề chỉ là Trung Quốc sử dụng sức mạnh của mình ra sao”./.