EU 'đại tu' thị trường kỹ thuật số

Đúng như dự đoán, kế hoạch 'đại tu' lớn nhất trong vòng hai thập kỷ qua đối với thị trường kỹ thuật số đã được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.

Hai dự luật mới mang tên Dịch vụ kỹ thuật số và Hành vi thị trường kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ tạo nên “cơn sóng thần” trong giới công nghệ, buộc các "đại gia" như Google, Facebook... phải thay đổi phương thức kinh doanh, vốn bị xem là đe dọa sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Định vị những “người gác cổng”

Động thái của EU diễn ra trong bối cảnh nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, các quy định quản lý hiện tại không đủ hiệu quả và kịp thời để bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường công nghệ. Bởi vậy, đa số nghị sĩ đều kêu gọi EU đưa ra các quy định “đi trước, đón đầu” nhằm kiểm soát hoạt động của những tập đoàn công nghệ trước khi sự lớn mạnh không ngừng của các "ông lớn" này vượt ngoài tầm kiểm soát.

Những quy định mới do Phó chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của EU Margrethe Vestager và Ủy viên Thị trường nội bộ EU Thierry Breton “chắp bút”. Cặp đôi được coi là “khắc tinh” của những gã khổng lồ công nghệ, từng chia sẻ trong một bài viết trên The Irish Times ngày 13-12, thừa nhận những quy định hiện hành đã không còn phù hợp với thời cuộc. “Các quy định của EU về dịch vụ kỹ thuật số ở châu Âu đã có từ năm 2000. Hầu hết các nền tảng trực tuyến chưa tồn tại vào thời điểm đó. Chúng tôi cần cập nhật các công cụ pháp lý để bảo đảm rằng các quy định và nguyên tắc của EU được tôn trọng ở mọi lĩnh vực”, bài viết cho hay.

 Những “đại gia” công nghệ Mỹ từ lâu đã là mục tiêu mà giới chức EU nhắm tới. Nguồn: Reuters

Những “đại gia” công nghệ Mỹ từ lâu đã là mục tiêu mà giới chức EU nhắm tới. Nguồn: Reuters

Có thể thấy, một phần quan trọng trong các dự luật mới là ngăn chặn sự thống trị của các “ông lớn” công nghệ, bằng cách liệt kê những cái tên đình đám vào một danh sách gọi là những “người gác cổng” trực tuyến. Danh sách này sẽ được tổng hợp dựa trên một số tiêu chí bao gồm thị phần, doanh thu và số lượng người dùng. Những nền tảng quan trọng đến mức các công ty đối thủ không thể thực hiện giao dịch mà không sử dụng đến cũng sẽ được đưa vào danh sách.

Các nền tảng lớn có tên trong danh sách sẽ phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn, bao gồm việc chia sẻ dữ liệu với các đối thủ và có nghĩa vụ minh bạch hơn về cách thức thu thập thông tin, quản lý và gỡ bỏ các nội dung trái phép. Thậm chí, những quy định mới cũng yêu cầu các "ông lớn" công nghệ công bố chi tiết các thông tin liên quan đến đối tác quảng cáo trực tuyến và cách thức thuật toán của họ đề xuất và xếp hạng thông tin, lựa chọn nội dung hiển thị và đối tượng hiển thị. Người dùng sẽ được quyền tác động đến việc hiển thị hay ẩn các thông tin quảng cáo, cũng như được biết các nội dung quảng cáo đó do ai trả tiền....

“Cơn sóng thần” đối với giới công nghệ

Không chỉ dừng lại ở khoản tiền phạt nặng lên tới 10% doanh thu hằng năm, các quy định mới thậm chí còn cấm hoạt động tạm thời tại thị trường EU nếu các công ty vi phạm nghiêm trọng và tái diễn vi phạm gây nguy hại an ninh của các công dân châu Âu.

Đây sẽ là thay đổi lớn đối với các hãng công nghệ, hay có thể nói là một “cơn sóng thần” theo nhận định của Giáo sư Nicolas Petit, một chuyên gia về luật cạnh tranh tại Viện Đại học châu Âu. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những quy định mới có khả năng sẽ thổi bùng các cuộc tranh cãi, thậm chí là gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và EU, do các hãng công nghệ của xứ cờ hoa chiếm tỷ lệ lớn trong danh sách bị siết chặt kiểm soát.

Lâu nay, giới chức EU vẫn luôn đặt những hãng công nghệ lớn của Mỹ trong tầm ngắm, bởi cho rằng, họ là những “ông lớn” có khả năng đặt ra các “luật chơi” riêng cho người dùng và loại bỏ các đối thủ tiềm năng ngay khi mới xuất hiện. Tờ Financial Times từng dẫn lời một chuyên gia giấu tên, có am hiểu sâu sắc về các cuộc thảo luận của giới chức EU cho biết: "Sức mạnh thị trường to lớn của các nền tảng này không có lợi cho sự cạnh tranh".

Với những quy định mới, giới chức EU hy vọng sẽ không còn tình trạng một công ty công nghệ lớn có thể thao túng thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến, hay bắt nạt, o ép, thậm chí là nuốt chửng đối thủ khi thấy dấu hiệu đe dọa cạnh tranh. Tuy nhiên, như một số nhà phân tích đã chỉ ra, thách thức đặt ra lúc này là các quy định mới cần phải dung hòa được yêu cầu và nguyện vọng của tất cả các quốc gia thành viên EU. Điều này vốn không hề dễ dàng khi mà một số quốc gia đã và đang theo đuổi các điều luật cứng rắn hơn, trong khi số khác lại lo ngại những quy định quá mức sẽ tác động đến sự đổi mới, sáng tạo.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/eu-dai-tu-thi-truong-ky-thuat-so-646765