EU đang tăng tốc nhưng vẫn khó 'bắt kịp' Nga về mặt này
Tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược kể từ khi chiến sự bắt đầu ở Ukraine. Theo đó, 'sản lượng 3 tháng của Nga bằng EU sản xuất cả năm trời'.
Trong bối cảnh xung đột đang tiếp diễn ở Đông Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius vừa đưa ra cảnh báo về quy mô sản xuất quân sự của toàn Liên minh châu Âu (EU) khi so sánh với Moscow.
Theo vị quan chức Đức, EU đang tụt hậu trong khi tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược kể từ khi chiến sự bắt đầu ở Ukraine, từ đó xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.
"Sản lượng 3 tháng của Nga bằng EU sản xuất cả năm trời", ông Pistorius cho biết khi phát biểu tại một sự kiện do Quỹ Friedrich Ebert tổ chức hôm 24/11, báo Der Spiegel của Đức đưa tin.
Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức lưu ý rằng, cuộc xung đột ở Ukraine từ lâu đã vượt ra ngoài phạm vi một cuộc chiến khu vực, gián tiếp chỉ ra sự tham gia ngày càng tăng của phương Tây.
Đồng thời, vị Bộ trưởng kêu gọi Đức tăng đáng kể các khoản đầu tư quốc phòng để thích ứng với bối cảnh an ninh toàn cầu đang thay đổi.
Theo trang Bulgarian Military, bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế quốc tế, Nga đã thành công duy trì mức sản xuất vũ khí và đạn dược thông qua sự kết hợp của các yếu tố chiến lược, cách tiếp cận kinh tế và các quyết định tác chiến, cho phép nước này bù đắp các tổn thất trên chiến trường và tăng cường dự trữ.
Ví dụ, thay vì sản xuất các mẫu xe tăng mới đắt đỏ như T-14 Armata, Moscow tập trung vào việc nâng cấp các mẫu cũ hơn như T-90 và tân trang xe tăng T-62 và T-80, theo đó có thể tiết kiệm đáng kể chi phí mà vẫn đạt hiệu quả hoạt động.
Mặc dù các lệnh trừng phạt đã hạn chế Nga tiếp cận công nghệ phương Tây, gã khổng lồ Á-Âu đã tìm ra các tuyến đường thay thế thông qua các quốc gia thứ 3 để đảm bảo các thành phần cho thiết bị công nghệ cao.
Đồng thời, việc sản xuất trong nước đối với các hệ thống như máy bay không người lái (UAV/drone) Lancet và các công nghệ không người lái khác đã được đẩy mạnh.
Trong khi đó, EU phải đối mặt với một số thách thức đáng kể, cản trở khối 27 quốc gia này "bắt kịp" mức sản xuất vũ khí và đạn dược của Nga. Một lý do chính là cơ sở hạ tầng công nghiệp hạn chế có từ thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh.
Mặc dù EU đang tăng cường đầu tư thông qua các chương trình như ASAP (Đạo luật hỗ trợ sản xuất đạn dược), nhưng sản lượng vẫn còn thấp. Ví dụ, với năng lực hiện tại, khối này đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào năm 2025 – vẫn thấp hơn nhiều so với 3 triệu quả đạn pháo mà Nga sản xuất mỗi năm.
Ngoài những hạn chế về công nghiệp, EU còn phải vật lộn để đảm bảo nguyên liệu thô như thuốc súng và thuốc nổ. Mặc dù gần đây Brussels đã phân bổ hàng trăm triệu Euro để giải quyết những "điểm nghẽn" này, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng phức tạp.
Những chuỗi cung ứng này thường dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá và sự chậm trễ – những yếu tố không tác động trực tiếp đến Nga do quy trình sản xuất tập trung và tích hợp hơn của nước này.
Châu Âu cũng phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn. Chi phí năng lượng, nhân công và thiết bị cao hơn đáng kể, khiến việc đẩy nhanh sản xuất trở nên gánh nặng về mặt tài chính. Điều này càng trở nên phức tạp hơn do thực tế là nhiều quốc gia châu Âu nhấn mạnh vào sản xuất phối hợp thay vì đầu tư riêng lẻ, làm chậm quá trình ra quyết định và thực hiện.
Ngoài ra, cấu trúc chính trị của EU đòi hỏi sự đồng thuận rộng rãi đối với bất kỳ sáng kiến quy mô lớn nào, gây ra sự chậm trễ. Việc phân bổ nguồn lực giữa các quốc gia thành viên và tích hợp các tiêu chuẩn quốc phòng khác nhau thường chậm hơn so với các quyết định tập trung được thực hiện ở Nga.
Tóm lại, trong khi EU đang nỗ lực đáng kể để tăng cường năng lực quốc phòng của mình, những thách thức về năng lực công nghiệp, nguồn cung nguyên liệu thô và các ràng buộc chính trị vẫn tiếp tục cản trở khả năng "bắt kịp" Nga của khối này.
Sự kết hợp giữa dự trữ, sản xuất chiến lược, quan hệ đối tác quốc tế và đổi mới của Nga giúp nước này bù đắp được những tổn thất và duy trì khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực quân sự, bất chấp áp lực đáng kể từ phương Tây.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military, Der Spiegel)