EU đạt đồng thuận về gói kích thích kinh tế kỷ lục

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài gần 5 ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/7 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về kế hoạch kích thích kinh tế do khó khăn từ đại dịch COVID-19.

Để đối phó với đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử, các quan chức cho biết, EU đã nhất trí về gói phục hồi 750 tỷ euro nhằm trao các khoản vay và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, theo đó, mức hỗ trợ đã được giảm từ 500 tỷ euro xuống còn 390 tỷ trong tổng số 750 tỷ.

Trước đó, đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ euro vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch.

Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, nhóm "Frugals", gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.

Hội nghị dài thứ hai trong lịch sử

Thỏa thuận mở đường cho Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, gia tăng hàng tỷ euro trên thị trường vốn ở tất cả 27 quốc gia, một hành động đoàn kết chưa từng có trong gần 7 thập niên hội nhập của châu Âu.

Trong hội nghị thượng đỉnh gồm 27 nguyên thủ thành viên EU, mỗi người đều có quyền phủ quyết. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh liên tục gặp phải nhiều ý kiến chống đối quỹ 750 tỷ euro, trong đó các thành viên giàu hơn ở miền Bắc phản đối giúp đỡ các thành viên miền Nam nghèo hơn. Hà Lan dẫn đầu một nhóm quốc gia gồm Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan, nhấn mạnh viện trợ cho Italy, Tây Ban Nha và các quốc gia Địa Trung Hải khác phải thông qua các khoản vay chứ không phải là các khoản trợ cấp. Cuộc tranh cãi kéo dài khiến hội nghị thượng đỉnh EU lần này trở thành hội nghị thượng đỉnh kéo dài thứ hai từ trước đến nay, chỉ kém 20 phút so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2000 tại Nice.

Các nhà lãnh đạo EU hy vọng quỹ phục hồi 750 tỷ euro và ngân sách lớn chưa từng thấy 1.100 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027 sẽ giúp phục hồi nền kinh tế EU.

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 140.000 công dân châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay, mức giảm sâu nhất kể từ sau Thế chiến II.

Do đó, việc thông qua một kế hoạch đầy tham vọng là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng y tế đang tiếp tục đe dọa mái nhà chung châu Âu.

Quan trọng hơn, hội nghị lần này chính là “phép thử” về sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các thành viên trong liên minh. Bởi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 vừa qua, nội bộ EU đã bị rạn nứt nghiêm trọng. Và chỉ có đoàn kết mới giúp Liên minh châu Âu vượt qua sóng gió, tìm tiếng nói chung để trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/eu-dat-dong-thuan-ve-goi-kich-thich-kinh-te-ky-luc/401513.vgp