EU đặt mục tiêu cắt giảm gần 80% khí đốt nhập khẩu từ Nga
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), đặt mục tiêu cắt giảm gần 80% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga ngay trong năm 2022, hãng tin Bloomberg dẫn lời hai quan chức châu Âu nắm rõ kế hoạch này, cho biết.
Tác động từ xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy giá gạo xuất khẩu tăng
Ba kịch bản lạm phát năm 2022 trước căng thẳng Nga-Ukraine
Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 như là một phần của kế hoạch trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Bloomberg
EC đang sửa đổi chiến lược năng lượng sau khi Nga phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine trong nỗ lực giảm lợi thế của Điện Kremlin. Một trong hai quan chức trên tiết lộ kế hoạch được EC công bố hôm nay (8-3) sẽ bao gồm các đề xuất để hướng tới mục tiêu thoát hẳn khỏi sự phụ thuộc vào Nga, nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch lớn nhất khu vực, trước năm 2030, sớm hơn những dự báo trước đó.
Kế hoạch của EC sẽ tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nguồn cung khí đốt qua đường ống từ các nước bên ngoài Nga, đẩy mạnh sản xuất khí tái tạo, tiết kiệm năng lượng và điện khí hóa.
Tất cả các nỗ lực này có thể giúp EU thay thế 155 tỉ mét khối khí đốt (cbm) mà họ hiện đang nhập khẩu từ Nga mỗi năm. Và ngay trong năm nay, EU có thể giảm nhập khẩu 112 cbm của Nga, tức giảm gần 80% so với con số trên.
Cụ thể, để thay thế khí đốt của Nga, EC đặt mục tiêu tăng nhập khẩu 50 bcm một năm từ các nguồn cung LNG mới ở Qatar, Ai Cập, Úc; 10 tỉ bcm nữa sẽ đến từ các đường ống của các nhà cung cấp khí đốt khác như Azerbaijan, Na Uy và 20 tỉ bcm sẽ đến từ công suất năng lượng gió mới nhờ nhu cầu sử dụng khí đốt giảm ở các nhà máy điện khí.
EC cũng sẽ ưu tiên nỗ lực kết nối các đường ống dẫn khí đốt từ bán đảo Iberia (khu vực nằm giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) với phần còn lại của châu Âu, cũng như kết nối các đường ống khí đốt với Bulgaria và Hy Lạp.
Để kế hoạch có cơ hội thành công, cần có sự chung tay hành động từ các nước thành viên EU giữa lúc một số nước không đồng tình với khoản đầu tư khổng lồ để thúc đẩy chương trình chuyển đổi năng lượng theo yêu cầu của EC. Hơn nữa, họ đang xoay sở kiểm soát tác động chính trị từ vấn đề chi phí năng lượng tăng cao.
Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành EC, cho biết EU có thể nhập khẩu nhiều LNG hơn, tăng công suất năng lượng tái tạo nhanh chónng hơn và cắt giảm nhu cầu khí đốt bằng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, ông thừa nhận các nước EU có thể phải dựa vào than lâu hơn để tránh sử dụng khí đốt đang đắt đỏ.
Trong những tuần trước cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt đã đẩy chi phí năng lượng ở châu Âu lên mức kỷ lục, khiến vấn đề này trở thành mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU. Các chính phủ châu Âu đã chi hàng chục tỷ euro để bảo vệ người tiêu dùng và các ngành công nghiệp khỏi tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.
EC cho rằng EU đã có đủ khí đốt dự trữ để sử dụng cho mùa đông này ngay cả trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoán đột ngột. EC sẽ khuyến nghị các nước thành viên bắt đầu mua tích trữ khí đốt để phục vụ nhu cầu sưởi ấm cho mùa đông tiếp theo.
EU hiện đang thảo luận một số luật để đáp ứng các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn vào năm 2030 bao gồm cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 1990. Nếu hoàn thành mục tiêu này, EU sẽ cắt giảm được 23% lượng tiêu thụ khí đốt trong thập kỷ này, tương đương 82 tỉ mét khối.
EU đã phối hợp với Mỹ và Vương quốc Anh khi áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Điện Kremlin, nhưng cho đến nay họ không trừng phạt ngành năng lượng Nga do lo ngại về tác động đối với nền kinh tế châu Âu. Hiện tại, 25% nhu cầu dầu thô và 40% nhu cầu khí đốt của EU đều dựa vào nguồn cung từ Nga.
Hôm 6-3, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken xác nhận Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận về khả năng đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga nhằm thắt chặt sức ép kinh tế đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Blinken cho biết nguồn cung dầu sẽ phải được đảm bảo nếu một biện pháp như vậy được triển khai.
Hôm 7-3, các bộ trưởng năng lượng EU cũng đề cập đến khả năng cấm nhập khẩu dầu từ Nga nhưng chưa có sự nhất trí rõ ràng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nguồn cung năng lượng của Nga vẫn là “thiết yếu” đối với nền kinh tế châu Âu cho đến thời điểm hiện tại. Việc loại bỏ dần dầu và than của Nga có thể đơn giản hơn so với khí đốt vì EU có nhiều nhà cung cấp thay thế Nga.
Để đảm bảo nguồn dự trữ khí đốt, EC sẽ đưa đề xuất yêu cầu các cơ sở trữ khí đốt ở lãnh thổ EU phải được lấp đầy ít nhất 90% công suất chứa vào thời điểm ngày 1-10 hàng năm, so với mức 30% công suất hiện nay.
Trong một diễn biến khác, trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối 7-3, Phó Thủ tướng Nga, Alexander Novak đe dọa Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 kết nối Nga với Đức như là một phần của phản ứng trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nếu điều này xảy ra, giá khí đốt ở châu Âu sẽ còn tăng cao hơn nữa sau khi cán mức kỷ lục mới 293 đô la /MWh vào hôm 7-3 trước thông tin Mỹ bàn thảo với các đồng minh châu Âu để cấm vận dầu mỏ của Nga.
Ông Novak cũng nói rằng Nga có các lựa chọn khác để bán dầu của mình nếu Mỹ và EU cấm nhập khẩu dầu của Nga. Ông cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào như vậy đều có thể gây ra “hậu quả thảm khốc cho thị trường thế giới” với giá dầu sẽ tăng lên 300 đô la / thùng hoặc hơn.
Theo Bloomberg
Chánh Tài