EU đề xuất luật buộc doanh nghiệp giám sát vi phạm môi trường và lao động trong chuỗi cung ứng

Các doanh nghiệp lớn hoạt động ở Liên minh châu Âu (EU) có thể phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm môi trường hoặc vi phạm quyền lợi người lao động của các nhà cung cấp nằm trong chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu, theo một luật mới do Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đề xuất hôm 23-2.

Cao ủy châu Âu về tư pháp, Didier Reynders (trái) và Cao ủy châu Âu về thị trường nội khối, Thierry Breton tại cuộc họp báo công bố Chỉ thị thẩm định tính bền vững doanh nghiệp hôm 23-2. Ảnh: EPA

Luật mới, có tên gọi Chỉ thị thẩm định tính bền vững doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp lớn ở châu Âu thiết lập các quy định để phát hiện, ngăn chặn và giảm thiểu vi phạm nhân quyền của người lao động cũng như các mối nguy hại cho môi trường trong chuỗi cung ứng của họ. Chính phủ các nước thành viên EU sẽ xác định các hình phạt tài chính đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định này.

Luật yêu cầu các doanh nghiệp phải đánh giá chuỗi cung ứng của họ ít nhất mỗi năm một lần và trước các quyết định kinh doanh lớn hoặc bắt đầu các hoạt động mới. Việc đánh giá nhằm xác định các rủi ro bao gồm lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, điều kiệm làm việc không an toan và các tác động môi trường như ô nhiễm và suy thoái hệ sinh thái.

Nếu một doanh nghiệp ở EU xác định được những vấn đề như vậy thì doanh nghiệp đó phải có hành động thích hợp để ngăn chặn chúng, chẳng hạn bằng cách phát triển một kế hoạch hành động khắc phục mà nhà cung cấp phải đồng ý thực hiện.

Các doanh nghiệp EU cũng có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu các nhà cung cấp của họ có hành vi vi phạm nhân quyền hoặc gây tác hại môi trường mà họ có thể ngăn chặn hoặc chấm dứt bằng các biện pháp thẩm định.

Nạn nhân có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại tại các tòa án ở nước thành viên EU, ngay cả khi thiệt hại xảy ra bên ngoài khối này.

Theo đề xuất, ban đầu, luật sẽ được áp dụng cho các doanh nghiệp EU có hơn 500 nhân viên và doanh thu hàng năm trên 150 triệu euro. Dự kiến, có khoảng 13.000 doanh nghiệp nằm trong nhóm này, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp của châu Âu. Sau hai năm thực hiện, luật sẽ mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, có số nhân viên hơn 250 người và doanh thu hơn 40 triệu euro/năm, hoạt động trong các ngành gây tác động lớn đến tính bền vững như dệt may, chăn nuôi, sản xuất thực phẩm, đồ uống, khai thác nhiên liệu hóa thạch và kim loại.

Luật cũng áp dụng cho hàng ngàn doanh nghiệp khác (không bao gồm ngành tài chính) đặt trụ sở bên ngoài EU nhưng đang hoạt động kinh doanh ở khối này và có doanh thu tại EU đạt các mức trên.

Đạo luật mới sẽ được Nghị viện châu Âu và 27 nước thành viên EU thảo luận và chỉnh sửa trước khi thông qua. Quy trình này dự kiến kéo dài hơn một năm.

Bình luận về luật mới, Didier Reynders, Cao ủy châu Âu về tư pháp, nói: “Chúng ta không còn có thể nhắm mắt làm ngơ trước những gì xảy ra trong chuỗi giá trị của mình”.

Một số tổ chức doanh nghiệp bày tỏ lo ngại trước luật mới

Pierre Gattaz, Chủ tịch BusinessEurope, một tổ chức vận động hành lang cho các doanh nhiệp ở châu Âu, nói: “Thật không thực tế khi kỳ vọng rằng các doanh nghiệp châu Âu có thể kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị của họ trên toàn thế giới. Rốt cục, những đề xuất trong luật mới sẽ làm tổn hại đến khả năng duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới của các doanh nghiệp châu Âu”.

Tuy nhiên, Richard Gardiner, nhà vận động giải trình trách nhiệm doanh nghiệp của tổ chức phi chính phủ Global Witness, cho rằng luật mới của EU có thể đánh dấu thành “thời khắc bước ngoặt đối với nhân quyền và khủng hoảng khí hậu”, nếu EU chống lại các nỗ lực làm suy yếu các biện pháp được đề xuất trong luật mới.

“Chúng tôi đã điều tra các tập đoàn lớn trong nhiều thập niên và khi chúng tôi tiết lộ tác hại mà họ gây ra cho con người và hành tinh, câu trả lời luôn giống nhau: “Chúng tôi không biết”. Đề xuất hôm nay từ EC có thể khiến câu trả lời đó trở nên bất hợp pháp”, Gardiner nói.

Nhưng một số nhà vận động bảo vệ môi trường vẫn không hài lòng. Họ chỉ ra rằng đề xuất cuối cùng của EC, vốn đã bị trì hoãn nhiều lần, ít tham vọng hơn nhiều so với những gì được lên kế hoạch ban đầu.

Julia Linares Sabater, một quan chức cấp cao tại Văn phòng chính sách châu Âu của Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF), cho biết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi luật mới chỉ là một “giọt nước trong đại dương” của tổng nền kinh tế EU. Bà nói: “EU phải có tham vọng hơn nữa để giải quyết thành công các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học”.

Theo Reuters, NY Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/eu-de-xuat-luat-buoc-doanh-nghiep-giam-sat-vi-pham-moi-truong-va-lao-dong-trong-chuoi-cung-ung/