EU đóng cửa biên giới 30 ngày, Đông Nam Á tăng số ca mắc COVID-19

Nếu Trung Quốc có ngày chỉ ghi nhận một ca mắc COVID-19 thì số ca bệnh mới ở Liên minh châu Âu (EU) tăng chóng mặt từng ngày, buộc khối này phải thực hiện biện pháp chưa từng có tiền lệ. Trong khi đó, những ngày qua, Đông Nam Á đã trở thành một 'điểm nóng' mới về dịch COVID-19 với ổ dịch mới bùng phát tại Malaysia.

EU đóng cửa biên giới trong 30 ngày với người ngoài khối

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay Paris-Charles-de-Gaulle ở Roissy en France, Pháp ngày 12/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay Paris-Charles-de-Gaulle ở Roissy en France, Pháp ngày 12/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ New York Times (Mỹ), trong một hội nghị qua cầu truyền hình, các lãnh đạo châu Âu ngày 17/3 đã nhất trí đóng cửa biên giới với hầu hết những người ngoại khối trong ít nhất 30 ngày để đối phó với tình trạng virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh tại châu lục. Đây là động thái cách ly diện rộng chưa từng chứng kiến trong lịch sử châu Âu hiện đại. Biện pháp này có hiệu lực ngay lập tức.

Ngoại lệ với lệnh phong tỏa nói trên sẽ dành cho công dân EU và người thường trú dài hạn tại châu Âu muốn trở về nhà. Chuyên gia y tế và nhà khoa học cũng sẽ được miễn áp dụng biện pháp mới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Vương quốc Anh không có kế hoạch tuân thủ biện pháp trên của EU. Biện pháp đóng cửa biên giới có thể sẽ mở rộng với cả bốn quốc gia tham gia khu vực đi lại tự do Schengen.

Đây là phản ứng chung đáng lưu ý đầu tiên của EU với đại dịch COVID-19. Từ trước tới nay, đa số các nước EU đều "mạnh ai nấy làm" và mỗi nước áp dụng một biện pháp riêng để kiềm chế virus SARS-CoV-2. Họ thậm chí còn đổ lỗi cho nhau làm lây lan virus. Nhiều nước châu Âu đã tự dựng rào chắn với các nước trong khối, thiết lập lại kiểm soát biên giới.

Sân bay Chopin ở Warsaw, Ba Lan ngừng hoạt động nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Sân bay Chopin ở Warsaw, Ba Lan ngừng hoạt động nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi thống nhất đóng cửa biên giới EU, về mặt thực tế, lệnh đóng cửa biên giới ngoại khối của EU sẽ tùy vào quá trình thực hiện ở từng nước. Ủy ban châu Âu không thực thi biện pháp. Mỗi thành viên sẽ phải tự quyết định cho những ai nhập cảnh và với điều kiện gì.

Trong số các nước EU, chỉ có Ireland không bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa vì nước này có thỏa thuận đi lại miễn hộ chiếu với Anh – nước vừa rời EU hồi tháng 1.

Về phần mình, Anh vừa thay đổi chính sách đối phó với COVID-19 từ chỗ định thả nổi đỉnh dịch để tạo miễn dịch cộng đồng, tới chỗ phải thực hiện cách ly xã hội, cấm tụ tập nơi công cộng và làm việc trực tuyến. Dù vậy, các biện pháp vẫn là tự nguyện và các trường học vẫn mở cửa.

Hầu hết các nước EU ban đầu đều ngần ngại thực hiện biện pháp hạn chế đi lại. Tuy nhiên, giới chức châu Âu cho rằng phong tỏa quy mô châu lục là điều cần thiết khi các nước như Mỹ đã khuyến cáo công dân tránh tới châu Âu và các nước châu Âu cũng đề nghị công dân tránh sang nước láng giềng.

Cảnh sát kiểm tra thân nhiệt của người dân tại khu vực biên giới Ba Lan - Litva ở Budzisko, Đông Bắc Ba Lan, ngày 16/3. Ảnh: PAP/TTXVN

Cảnh sát kiểm tra thân nhiệt của người dân tại khu vực biên giới Ba Lan - Litva ở Budzisko, Đông Bắc Ba Lan, ngày 16/3. Ảnh: PAP/TTXVN

Dịch COVID-19 đã gây căng thẳng chính trị giữa các nước thành viên EU. Khi dịch bùng phát mạnh ở Italy cách đây vài tuần, do thiếu điều phối nên các nước thành viên rất bất bình với nhau và không sẵn sàng hợp tác. Nhiều nước đã gây sức ép lớn để giới chức EU hành động. Giờ đây, họ hy vọng nỗ lực đóng cửa biên giới EU sẽ khiến các nước thành viên xích lại gần nhau hơn và thực hiện theo một kịch bản chung.

Theo kênh BBC (Anh), trước đó, mỗi quốc gia EU đều áp dụng biện pháp tùy theo tình hình riêng. Tại Pháp, công dân phải ở nhà và nếu muốn ra khỏi nhà phải mang giấy tờ nói rõ lý do. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền 150 USD. Số ca nhiễm virus ở Pháp tính tới 18/3 đã là 7.730 với 175 ca tử vong.

Tại Anh, khi số ca tử vong vì COVID-19 lên 71 (tới ngày 18/3), Chính phủ Anh đã yêu cầu người dân tránh tiếp xúc xã hội, làm việc tại nhà nếu có thể và tránh ra nước ngoài không cần thiết.

Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm virus tăng vọt lên trên 11.820 với trên 533 ca tử vong (tính tới 18/3). Tình hình dịch tại Tây Ban Nha nghiêm trọng thứ hai châu Âu, chỉ sau Italy. Nước này đã chặn xe ô tô từ Pháp và Bồ Đào Nha vào. Chỉ công dân và người thường trú ở Tây Ban Nha cũng như người lao động xuyên biên giới được phép vào nước này.

Tại Italy, nước này vẫn phong tỏa toàn quốc khi có trên 2.500 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Điểm nóng ở Đông Nam Á

Người dân đeo khẩu trang tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/3. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/3. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài Hàn Quốc và Iran, châu Á xuất hiện thêm điểm nóng dịch COVID-19 tại Đông Nam Á, cụ thể là Malaysia.

Ngày 16/3, Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin thông báo áp đặt biện pháp sâu rộng nhất để kiềm chế dịch COVID-19: đóng cửa biên giới từ ngày 18-31/3 để phòng chống virus SARS-CoV-2.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, nhà lãnh đạo Malaysia cho biết quyết định này có nghĩa là tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ siêu thị và cửa hàng bán rau quả. Trong cùng thời gian, tất cả các cơ sở của chính quyền cũng như khu vực tư nhân cũng sẽ bị đóng cửa trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu. Tất cả người Malaysia bị cấm ra nước ngoài và không có khách du lịch hay người nước ngoài nào được phép vào Malaysia.

Cảnh sát kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một điểm kiểm soát ở Quezon, Philippines ngày 17/3. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một điểm kiểm soát ở Quezon, Philippines ngày 17/3. Ảnh: THX/TTXVN

Biện pháp mạnh trên được thực hiện khi Malaysia ghi nhận 125 ca nhiễm virus mới ngày 16/3. Tính tới 18/3, nước này có 673 ca mắc COVID-19 với hai ca tử vong. Phần lớn ca bệnh đều liên quan tới một buổi lễ tôn giáo diễn ra từ ngày 27/3 tới 1/3 tại nhà thời Hồi giáo Sri Petaling với 16.000 người tham dự gần thủ đô Kuala Lumpur. Hiện chưa rõ ai là người đầu tiên nhiễm virus và lây cho người khác. Với số liệu trên, Malaysia trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á và thứ 19 thế giới về số ca mắc COVID-19.

Còn tại Philippines, chính phủ cũng cho cách ly cộng đồng, tăng cường hàng loạt biện pháp phòng chồng dịch. Philippines đã phong tỏa đảo Luzon đông dân nhất nước, trong đó có thủ đô Manila. Người dân chỉ có thể ra khỏi nhà vì lý do cần thiết. Philippines có 202 ca nhiễm virus và 17 ca tử vong.

Tại Thái Lan, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam cho biết nước này sẽ quyết định thực thi biện pháp cấm tụ tập nơi công cộng, đóng cửa trường học, sân đấu thể thao, hủy lễ hội té nước truyền thống Songkran.

Đề phòng làn sóng bùng phát thứ hai

Kiểm tra thân nhiệt cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 16/3. Ảnh: THX/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 16/3. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN (Mỹ), do virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh khắp thế giới, nhiều người ở châu Á lo ngại sẽ có làn sóng tái bùng phát dịch bệnh do các ca lây nhiễm từ bên ngoài vào trong nước.

Trong những tuần gần đây, tình hình dịch ở những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đều ổn định phần lớn là nhờ biện pháp cách ly xã hội và kiềm chế dịch quyết liệt từ sớm. Tuy nhiên, các nước này vẫn tăng cường kiểm dịch và hạn chế nhập cảnh.

Từ ngày 16/3, mọi du khách nước ngoài tới thủ đô Bắc Kinh sẽ phải vào cơ sở cách ly trong 14 ngày và tự trả chi phí. Giới chức Bắc Kinh trước đó yêu cầu mọi hành khách nước ngoài vào đây phải tự cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở tập trung trong hai tuần.

Singapore cũng thông báo áp dụng biện pháp tự cách ly bắt buộc trong 14 ngày với hành khách từ một số nước Đông Á, Thụy Sĩ và Anh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tuyến đầu Trung Quốc ngày 16/3 đánh giá khả năng xảy ra đợt bùng phát thứ hai không phải một mối lo ngại lớn.

Theo tờ China Daily, chuyên gia Trung Quốc xác định các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt, trong đó có xét nghiệm nhanh chóng và rộng khắp, là nhiệm vụ cốt lõi trong cuộc chiến chống virus.

Ông Cao Wei, Phó Giám đốc Khoa Bệnh lây nhiễm tại Bệnh viện Đại học Y khoa Bắc Kinh nhận xét: “Đợt bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 12/2019, sắp sửa đến hồi kết. Chúng ta sẽ chờ thêm một tháng để ra tuyên bố cuối cùng, song cá nhân tôi cho rằng đợt bùng dịch thứ hai tại Trung Quốc không phải là mối lo ngại lớn khi có những biện pháp kiểm soát và phòng ngừa mạnh như vậy”. Theo ông, nước này sẽ tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới ở mức độ thấp, trong đó chủ yếu là ca mắc COVID-19 từ nước ngoài đến.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/eu-dong-cua-bien-gioi-30-ngay-dong-nam-a-tang-so-ca-mac-covid19-20200318143320617.htm