EU đứng ngoài căng thẳng Mỹ - Trung
Liên minh châu Âu muốn đạt thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt với Trung Quốc và tránh cuộc đối đầu Mỹ - Trung về vấn đề Hồng Kông
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29-5 có cuộc họp về phản ứng của Mỹ trước việc quốc hội Trung Quốc thông qua dự luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó xác nhận Hồng Kông không còn được hưởng quyền tự trị từ Trung Quốc để tiếp tục nhận sự đối đãi khác biệt từ Washington. Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, cũng cho rằng Hồng Kông cần được đối xử như Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và các vấn đề khác.
Ông Li Daokui, giáo sư kinh tế tại Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), nhận định bất kỳ mối đe dọa nào liên quan đến việc Mỹ hủy bỏ đặc quyền của Hồng Kông đều "không đáng kể" bởi các doanh nghiệp Mỹ cũng có thể bị thiệt hại. Đồng quan điểm, giới quan sát cũng cho rằng Mỹ sẽ không đổi lợi ích của mình để làm tổn hại Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm quan hệ hai nước xấu đi đáng kể.
Ngoài quyền tự trị của Hồng Kông, Mỹ và Trung Quốc còn xung đột về thương mại và nguồn gốc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19). Ông Yukon Huang, thành viên cấp cao của chương trình châu Á tại Viện Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế (Mỹ), nhận định với đài CNBC, ông Donald Trump gửi đi "thông điệp mạnh mẽ" về vấn đề Hồng Kông nhưng có thể chỉ dừng lại ở những hành động mang tính tượng trưng.
Ông Huang cho rằng nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt lên một số quan chức Trung Quốc. Theo chuyên gia này, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ "không đi quá xa" để khiến mối quan hệ kinh tế hai nước gặp khó khăn hơn nữa. "Sau tất cả, cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, một mối quan hệ Mỹ - Trung đổ vỡ sẽ không tốt cho bên nào" - ông Huang lý giải.
Phản ứng trước động thái của chính quyền ông Donald Trump, Hồng Kông cảnh báo việc Mỹ rút "quy chế đặc biệt" có thể là "con dao hai lưỡi", không chỉ gây tổn hại cho lợi ích của Hồng Kông mà còn gây tổn hại đáng kể cho lợi ích của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington ngừng can thiệp vào việc nội bộ. Trước đó, quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết thiết lập luật an ninh mới đối với Hồng Kông. Luật mới cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của đặc khu.
Theo hãng tin Reuters, chính quyền Bắc Kinh và lãnh đạo Hồng Kông cho rằng luật an ninh mới không đe dọa quyền tự trị của đặc khu và lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được bảo đảm. Động thái thông qua luật an ninh mới đối với Hồng Kông của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, Anh, Úc và Canada. Trong tuyên bố chung hôm 28-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng những người đồng cấp Anh, Úc và Canada kêu gọi Trung Quốc làm việc với Hồng Kông để tìm ra giải pháp chung, thực thi đầy đủ cam kết của họ đối với Tuyên bố chung Anh - Trung Quốc (SBJD).
Bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 29-5 họp trực tuyến về tình hình Hồng Kông, cũng như quan hệ tương lai giữa EU - Trung Quốc. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, khẳng định EU rất coi trọng việc bảo đảm quyền tự trị của Hồng Kông nhưng không cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào Trung Quốc sẽ là giải pháp. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định bà vẫn muốn EU đạt được thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt với Trung Quốc trong năm nay.
Bà Merkel cho rằng EU cần duy trì một cuộc đối thoại quan trọng và mang tính xây dựng trong khi trả đũa thương mại không nằm trong chương trình nghị sự hôm 29-5. Theo chính trị gia quyền lực nhất châu Âu này, EU sẽ tìm cách tránh cuộc đối đầu mở với Bắc Kinh mà Washington đang theo đuổi.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/eu-dung-ngoai-cang-thang-my-trung-20200529211608387.htm