EU 'gạch tên' khí đốt Nga khỏi các giao dịch mua chung, vẫn chưa tìm được 'lối ra' cho vấn đề giới hạn giá
15 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi giới hạn giá khí đốt, dẫn đầu là Italy, đã quyết định bác bỏ đề xuất giới hạn giá khí đốt của Ủy ban châu Âu (EC).
Thông tin trên được Bộ trưởng An ninh năng lượng và Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin đưa ra tại một hội nghị của Hội đồng các vấn đề năng lượng ngày 24/11.
Bộ trưởng Pichetto Fratin nói: "Chúng tôi nhất trí không ủng hộ đề xuất của EC. Ở giai đoạn này, quan điểm của chúng tôi là đánh giá cả đề xuất của EC về giới hạn giá khí đốt và các điều khoản khác của thỏa thuận có thể xem xét các vấn đề khác, chẳng hạn như sự đoàn kết và minh bạch, nhưng là một khối chung”.
Cùng ngày, Cao ủy châu Âu phụ trách Năng lượng Kadri Simson xác nhận, các đại sứ của EU đã không nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga, các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.
EC có kế hoạch đề xuất mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên sau ngày 24/11. Hiện các nước EU đang chia rẽ về việc có nên hạn chế giá khí đốt hay không.
Ít nhất 15 quốc gia sẽ cần phải phê duyệt đề xuất này để nó chính thức được thực thi.
Bỉ, Ba Lan, Italy và Hy Lạp đã yêu cầu Brussels đề xuất mức giá trần khí đốt trước ngày 24/11 và cảnh báo sẽ chặn các chính sách khác của EU, bao gồm việc đẩy nhanh cấp phép cho năng lượng tái tạo, nếu không một mức giá trần nào được đề xuất.
Các quốc gia khác bao gồm Đức, nước sử dụng khí đốt lớn nhất châu Âu, cảnh báo việc giới hạn giá khí đốt có thể khiến các quốc gia khó khăn trong bảo đảm nguồn cung.
Cùng ngày, theo một tài liệu được công bố sau cuộc họp không chính thức tại Brussels, các Bộ trưởng Năng lượng EU đã đồng ý loại khí đốt của Nga ra khỏi các hợp đồng mua sắm chung.
Các nước EU theo kế hoạch vào năm 2023 sẽ thông qua cơ chế mua sắm chung, mua ít nhất 13,5 tỷ m3, tương đương 15% tổng lượng khí đốt cần thiết để lấp đầy các cơ sở lưu trữ. Tài liệu có đoạn: "Các nước thành viên nhấn mạnh rằng khí đốt của Nga sẽ bị loại trừ khỏi các giao dịch mua chung".
Trong khi đó tuyên bố không nêu rõ khái niệm "khí đốt Nga" là gì-liệu nhiên liệu được sản xuất tại Nga và mua qua trung gian có được coi là thuộc diện này hay không.
Cơ chế mua sắm chung quy định rằng các công ty khí đốt ở EU sẽ cung cấp cho EC dữ liệu về nhu cầu của họ, EU sẽ thuê một bên trung gian tính toán yêu cầu và tìm kiếm nhà cung cấp.
Các nước châu Âu sẽ bắt buộc các công ty sử dụng dịch vụ của bên trung gian để đưa lượng khí đốt mua theo cơ chế này đạt tỷ lệ như đã cam kết là 15% tổng lượng khí đốt để lấp đầy các cơ sở lưu trữ vào năm 2023.
Để quyết định nói trên có hiệu lực, nó cần phải được thông qua tại cuộc họp của Hội đồng Năng lượng EU dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương Czech Josef Sikela cho biết, cuộc thảo luận về chủ đề này đã hoàn tất và đề xuất sẽ được thông qua mà không cần thảo luận thêm.