EU gia tăng trừng phạt, Nga vẫn đứng vững

Tờ Politico của Mỹ trích dẫn nguồn tin từ 5 nhà ngoại giao châu Âu cho biết, các đại diện thường trực của họ tại Brussels (Bỉ) đang hướng tới mục tiêu hoàn thành gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga. Tuy nhiên, hiện chưa rõ họ có đạt được mục tiêu hay không khi cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt đã bị hoãn lại một tuần cho đến ngày 14/6.

Hồi tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã nhiều lần tuyên bố rằng, gói trừng phạt thứ 11 sẽ tập trung vào việc thắt chặt các cơ chế thực thi lệnh trừng phạt. Mục đích là ngăn chặn nỗ lực của Nga trong phá vỡ lệnh phong tỏa, trừng phạt. Theo các quan chức EU, các biện pháp trừng phạt nên được áp dụng đối với các công ty từ các nước thứ ba tái xuất hàng hóa bị trừng phạt sang Nga.

Các đoàn tàu chở hàng hóa nhập khẩu vào Nga tại Kaliningrad. Ảnh: Reuters

Các đoàn tàu chở hàng hóa nhập khẩu vào Nga tại Kaliningrad. Ảnh: Reuters

Cuối tháng 5, một số nguồn tin ngoại giao và truyền thông châu Âu đưa tin dự thảo ban đầu về gói trừng phạt của EC đã bị các nước thành viên EU bác bỏ và gửi lại để sửa đổi, lo ngại các biện pháp đó sẽ chỉ làm cô lập EU trên trường quốc tế. Như vậy, gói trừng phạt thứ 11 tập trung vào việc chống lách các lệnh trừng phạt hiện có và bao gồm một cơ chế mới để trừng phạt các quốc gia bên ngoài EU cho phép trốn tránh lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, điều này rất nhạy cảm đối với một số nước EU, bao gồm cả Đức, vốn lo ngại luật mới có thể làm tổn hại đến quan hệ với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Để xoa dịu những lo ngại đó, EU đã giảm bớt một số đề xuất ban đầu từ EC. Trong khi đó, Hy Lạp và Hungary cho biết sẽ ngăn chặn thỏa thuận nếu Ukraine vẫn liệt một số công ty của họ vào danh sách “các nhà tài trợ chiến tranh”. Cụ thể, Budapest và Athens đang yêu cầu loại bỏ một số công ty khỏi danh sách hỗ trợ các nỗ lực của Nga nhằm lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các nước EU không có phản đối mang tính hệ thống nào đối với gói trừng phạt mới nhất do EC đưa ra.

Kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cho tới nay, EU liên tục áp đặt và mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Nhìn bề ngoài, EU sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới vì những kế hoạch quân sự của Nga tại Ukraine không có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhưng bất chấp các biện pháp trên diện rộng được áp đặt và cam kết của Brussels để duy trì chúng, một số nhà quan sát cho rằng, họ đã thất bại trong ý định làm suy yếu nước Nga.

Nền kinh tế Nga dường như kiên cường hơn dự kiến và quân đội Nga vẫn duy trì khả năng nhắm vào các mục tiêu ở Ukraine. Hơn nữa, hàng hóa bị trừng phạt vẫn đang tìm đường đến Nga và đến chiến trường ở Ukraine. Trong một báo cáo mới đây, Công ty tư vấn rủi ro Corisk có trụ sở tại Na Uy cho rằng các biện pháp trừng phạt không hoạt động theo cách như mong đợi chính là do các bên áp dụng đang tự phá hủy chúng.

Phân tích dữ liệu hải quan từ 12 quốc gia EU, Norway, Anh, Mỹ và Nhật Bản cho thấy việc lách lệnh trừng phạt xuất khẩu đối với Nga lên tới 8 tỷ euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022. Trong số các quốc gia được nghiên cứu, Đức dường như là nước xuất khẩu hàng hóa bị trừng phạt lớn nhất sang Nga; tiếp theo là Litva. Cả hai cung cấp một nửa số hàng hóa mà phương Tây không cho phép bán cho Moscow.

Nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp Đức, sử dụng các nước thứ ba để bán sản phẩm của họ cho Nga. Điều này thể hiện rõ qua việc phân tích dữ liệu xuất khẩu đối với hàng hóa bị trừng phạt, bao gồm các mặt hàng xa xỉ như đồ trang sức và nước hoa, công nghệ tiên tiến, như chất bán dẫn tiên tiến và máy tính lượng tử, máy móc và thiết bị vận tải. Đầu năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng này của phương Tây sang Nga giảm mạnh, nhưng lại tăng vọt sang các nước láng giềng của Nga. Gần một nửa số hàng “xuất khẩu song song” này được chuyển qua Kazakhstan và phần còn lại được phân chia giữa Gruzia, Armenia, Kyrgyzstan và các nước khác.

Điều quan trọng, danh sách các sản phẩm bị trừng phạt bao gồm hàng hóa lưỡng dụng có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như máy bay không người lái, xe cộ và một số hóa chất. Trong vùng chiến sự, xe tải cỡ trung rất quan trọng để vận chuyển hàng hóa hậu cần đến tiền tuyến. Đó là lý do tại sao những chiếc xe như vậy được đưa vào danh sách trừng phạt. Do đó, xuất khẩu xe tải diesel của Đức sang Nga ở nhóm này đã giảm xuống 0 vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, doanh số bán những chiếc xe tải tương tự cho Armenia đã tăng theo cấp số nhân và đạt mức gấp 5 lần so với những gì Đức đã bán cho Nga trước đó vào tháng 9.

Lithuania cũng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa bị trừng phạt sang Nga, nhưng thông qua một tuyến đường khác là Belarus. Vilnius dường như đã tăng doanh số bán xe cho nước láng giềng gấp 10 lần trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 9/2022. Do xuất khẩu sang Nga đã giảm xuống 0 và nhu cầu ôtô của Belarus khó có thể tăng đáng kể như vậy, có vẻ như những mặt hàng này sau đó được tái xuất sang Nga.

Sợi hóa học Polyamide là một sản phẩm lưỡng dụng khác đã đến Nga, “phá vỡ” lệnh trừng phạt. Chất liệu hóa học này có thể được sử dụng trong sản xuất áo giáp, áo dành cho phi công quân sự và nhiều mặt hàng quân sự và dân sự khác. Cho đến tháng 6/2022, Đức hầu như không xuất khẩu Polyamide sang Kazakhstan.

Sau khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, nhu cầu của Kazakhstan đối với loại hàng này đã bùng nổ và đến tháng 10, Kazakhstan đã nhập khẩu 200 tấn từ các nhà sản xuất Đức. Điều đáng chú ý là Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev từng thể hiện quan điểm kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Ukraine, từ chối công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine và cam kết hạn chế lách lệnh trừng phạt trên lãnh thổ Kazakhstan.

Chính phủ của ông Kassym-Jomart Tokayev được cho là đã đưa ra các biện pháp kiểm soát hải quan chặt chẽ hơn đối với hàng hóa điện tử nhập khẩu vào Nga và đang xem xét giám sát hải quan trực tuyến để theo dõi hàng hóa qua biên giới. Liệu những nỗ lực này có thực sự hạn chế dòng chảy của hàng hóa bị trừng phạt hay chỉ đơn thuần là các biện pháp mang tính hình thức vẫn chưa có câu trả lời.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/eu-gia-tang-trung-phat-nga-van-dung-vung-i696465/