EU giới hạn phát thải nhiều hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu bằng cách yêu cầu cắt giảm phát thải mạnh mẽ hơn từ các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp và máy bay ở EU, đồng thời thông qua một mức thuế nhập khẩu chưa từng có.
Nghị viện Châu Âu đã thông qua dự thảo luật về khí hậu yêu cầu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí nhà kính của EU vào năm 2030 so với năm 1990 thay vì mức 40% đã được thống nhất trước đó.
Châu Âu đang đẩy mạnh các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP
Bài liên quan
Trung Quốc tìm ra giống lúa có thể chống chịu biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu khiến châu Âu nắng nóng bất thường
Ngành du lịch của Pakistan rung chuyển do biến đổi khí hậu
Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
Đạo luật cũng bao gồm một công cụ cho phép EU tăng giá một số hàng hóa nhập khẩu, bao gồm thép và nhôm vốn không phải trả chi phí bảo vệ khí hậu.
Mục tiêu tổng thể là đưa EU đi đúng hướng để trở nên trung hòa với khí hậu vào năm 2050 và thúc đẩy các nước gây ô nhiễm lớn khác, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, làm theo.
Việc phê duyệt cuối cùng sẽ buộc Nghị viện châu Âu phải giải quyết những khác biệt với các chính phủ quốc gia của khối về nhiều chi tiết khác nhau, một quá trình có thể kéo dài thêm vài tháng.
“Chúng tôi đang thực hiện một bước tiến lớn về khí hậu. Chúng tôi đang làm điều đúng đắn”, nhà lập pháp Đức Peter Liese cho biết.
Nhóm phi lợi nhuận Germanwatch cho biết dự thảo luật chưa đi đủ xa và bày tỏ sự thất vọng về kế hoạch tiếp tục cấp chứng chỉ khí thải miễn phí cho các công ty trong 10 năm, mặc dù các điều kiện đã được thắt chặt.
Tuy nhiên, Germanwatch hoan nghênh thỏa thuận về thuế nhập khẩu, các quy tắc cứng rắn hơn đối với vận chuyển và đưa việc đốt rác vào hệ thống thương mại khí thải của khối bắt đầu từ năm 2026.
EU đang tìm cách duy trì vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Một hội nghị quan trọng về khí hậu của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Ai Cập.
Luật khí hậu đầy tham vọng hơn của EU là một phần trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng sạch kể từ sau cuộc xung đột Nga-Ukarine, với việc khối này cam kết sẽ dừng sử dụng liệu hóa thạch của Nga trước năm 2027.
EU đã đồng ý cấm nhập khẩu than của Nga bắt đầu từ tháng 8 và áp đặt lệnh cấm vận dần dần đối với hầu hết dầu từ Nga trong 8 tháng tới. Trong khi đó, Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho 5 nước châu Âu, bao gồm cả Đức và Ý.
Các mục tiêu khắc nghiệt hơn về khí hậu của EU đã làm dấy lên lo ngại về giá năng lượng hơn nữa, khiến lạm phát tăng vọt và khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu cam kết tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm kể từ tháng tới.
Trong bối cảnh đó, Nghị viện châu Âu cũng tán thành việc thành lập quỹ để giúp các hộ gia đình dễ bị tổn thương đối phó với kế hoạch cải tạo năng lượng.
Hai tuần trước, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua việc cắt giảm sâu hơn lượng carbon dioxide đối với ô tô, bao gồm lệnh cấm của EU vào năm 2035 đối với việc bán ô tô mới có động cơ đốt trong.
Nghị viện dự kiến sẽ bỏ phiếu vào cuối năm nay về các mục tiêu tham vọng hơn trong toàn khối nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện gió và năng lượng mặt trời.
Trung Kiên (theo AP, CNA)