EU gợi ý các nỗ lực giảm căng thẳng về vấn đề Ukraine
Theo hãng AP, các nhà lãnh đạo của liên minh châu Âu ngày 16/12 đã kêu gọi Nga quay lại bàn đàm phán hòa bình với Ukraine nhằm giảm leo thang căng thẳng trong những tuần gần đây.
Quay lại bàn đàm phán
Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng sẽ cùng với Mỹ và Anh áp dụng các biện pháp trừng phạt "chưa từng có tiền lệ" đối với Moscow nếu Nga vượt quá phạm vi cho phép để tiến quân vào Ukraine.
Việc EU kêu gọi Nga trở lại bàn đàm phán diễn ra trong bối cảnh Moscow cho biết đã đệ đơn trình các tài liệu dự thảo cho Mỹ, trong đó nêu rõ các thỏa thuận an ninh đàm phán với Washington và các đồng minh trong liên minh quân sự NATO. Phía NATO cũng nhất trí sẵn sàng thảo luận về dự thảo của Moscow.
Các quan chức tình báo Mỹ lên tiếng Nga đã điều động 70.000 quân đến gần biên giới Ukraine và có khả năng đang chuẩn bị cho cuộc tiến quân vào đầu năm tới. Moscow phủ nhận cáo buộc này và khẳng định không hề có bất kỳ kế hoạch tấn công nào. Moscow cũng muốn có cam kết từ phía Mỹ và NATO rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong một tuyên bố tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết đối với Nga để giảm leo thang căng thẳng về việc Moscow xây dựng quân đội dọc biên giới với Ukraine. EU cũng khẳng định cam kết "hỗ trợ đầy đủ cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Liên minh châu Âu cho biết EU vẫn khuyến khích các nỗ lực ngoại giao và hỗ trợ cơ chế Normandy là xuất phát điểm để chấm dứt xung đột và nêu bật tầm quan trọng của các thỏa thuận Minsk khi giải quyết các vấn đề khó khăn.Thỏa thuận Minsk ký kết năm 2015 dưới sự bảo trợ của "Bộ tứ Normandy" bao gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức được xem là con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine.
Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo đã lặp lại thông điệp từ Mỹ, Anh và Nhóm 7 quốc gia công nghiệp (G7) trong các tuần gần đây, khẳng định "bất kỳ hành động tấn công quân sự nào đối với Ukraine sẽ gây ra hậu quả lớn và phải trả giá nghiêm trọng, bao gồm các biện pháp hạn chế phối hợp giữa các đối tác".
"Định dạng Normandy"
Theo AP, EU đang đối mặt với một số mâu thuẫn trong thời điểm áp dụng các trừng phạt với Moscow. Pháp và Đức muốn giảm căng thẳng, bày tỏ quan ngại những hành động mạnh mẽ sẽ dẫn đến các cuộc tấn công quân sự, nhấn mạnh giải pháp ngoại giao có thể hóa giải các căng thẳng và giải quyết các vấn đề leo thang hiện tại. Ngày 16/12, cả hai nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục đàm phán Normandy, vốn dĩ đã đạt được một số triển vọng đáng kể trong năm nay.
"Chúng ta có một cơ chế rất tốt, được biết đến là cơ chế Normandy. Chúng tôi muốn được kích hoạt lại và tái tạo năng lượng cho nó", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với báo chí.
Các nỗ lực hòa bình của Đức và Pháp vào năm 2015 đã giúp chấm dứt xung đột quy mô lớn ở miền đông Ukraine.
Ngược lại, các quốc gia của EU ở sườn phía đông giáp Nga tin tưởng các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng tốt nhất như một biện pháp răn đe và nên áp dụng ngay lập tức. Tổng thống Ukraine cho rằng nên áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt trước – thay vì sau – nhằm ngăn chặn bất kỳ ý định xâm phạm nào có thể xảy ra.Trong khi đó, Tổng thống Lithuania - Gitanas Nauseda cho rằng EU không nên đánh giá thấp mối đe dọa xuất phát từ việc huy động quân đội tăng cường của Nga. Ông Gitanas Nauseda cũng cảnh báo các hành động của Moscow đang tạo nên những tình huống an ninh tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
"Tôi không chỉ nói về vấn đề Ukraine", ông Nauseda cho biết, đồng thời nhấn mạnh toàn bộ khu vực Baltic và Ba Lan nên được tiếp tục quan tâm.
Các nghị sỹ EU gợi ý các trừng phát tiếp theo có thể được áp dụng, bao gồm việc đóng băng tài sản tài chính tại EU, áp dụng lệnh cấm đi lại, loại trừ Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT trong giao dịch tài chính quốc tế và nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng để làm gián đoạn nguồn tài chính của dịch vụ tình báo và lực lượng vũ trang.
Trong khi đó, điện Kremlin một lần nữa yêu cầu các nhà lãnh đạo phương Tây đưa ra đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý, khẳng định Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO hoặc vũ khí của NATO sẽ không giao vào tay Ukraine. Đây chính là 2 trọng tâm quan trọng mà Moscow luôn khẳng định là "lằn ranh đỏ".
Mỹ và các đồng minh đã từ chối đưa ra cam kết như vậy. Tuy nhiên, Tổng thống Putin và Tổng thống Joe Biden đã nhất trí sẽ tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán sâu hơn để thảo luận về các lo ngại của Nga./.