EU hạ mức trần giá dầu thô của Nga theo gói trừng phạt mới nhất
Hôm thứ Sáu (18/7), Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm việc hạ mức trần giá đối với dầu xuất khẩu của Nga.

Trước đó, G7 và EU đã hạn chế mức giá mà các quốc gia ngoài G7 có thể mua dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga khi sử dụng dịch vụ vận chuyển và hậu cần từ các công ty của G7. Các biện pháp này nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga, đồng thời duy trì nguồn cung của nước này trên thị trường để tránh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Mức giá trần được thống nhất vào tháng 12/2022 đã cấm người mua tiếp cận các dịch vụ vận tải, bảo hiểm và tái bảo hiểm của G7 nếu như người mua trả hơn 60 USD cho mỗi thùng dầu thô. Từng là nguồn cung chủ yếu cho các nhà máy lọc dầu châu Âu, dầu thô của Nga hiện chủ yếu được bán cho người mua ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo báo cáo tháng 7 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu thô của Nga đạt trung bình 9,19 triệu thùng/ngày trong tháng 6. Các biện pháp trần giá cũng đã chuyển hoạt động vận chuyển một số lượng dầu của Nga sang đội "tàu ngầm" gồm các tàu chở dầu và công ty vỏ bọc.
Hôm thứ Sáu (18/7), các nhà hoạch định chính sách EU cho biết, mức trần giá dầu của Nga sẽ được hạ xuống như một phần của gói trừng phạt mới được thống nhất.
"EU vừa thông qua một trong những gói trừng phạt mạnh nhất đối với Nga cho đến nay", người đứng đầu Chính sách đối ngoại của EU, Kaja Kallas cho biết.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá: "Tôi hoan nghênh thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 của chúng tôi đối với Nga. Chúng tôi đang… nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và công nghiệp quân sự của nước này, đồng thời bao gồm một mức trần giá dầu linh hoạt mới".
Theo đó, EU đã chuyển đổi mức giá trần cố định 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga thành một cơ chế linh hoạt, điều chỉnh mức giá trần để duy trì mức thấp hơn ít nhất 15% so với giá thị trường trung bình ở châu Âu. Theo kế hoạch mới của EU - dự kiến sẽ nhận được sự ủng hộ của các đồng minh G7 như Anh và Canada - giá trần mới sẽ bắt đầu ở mức 47,6 USD và có thể được điều chỉnh khi giá dầu thay đổi trong tương lai.
Việc sửa đổi mức giá trần là một phần trong nỗ lực chung của châu Âu nhằm gây sức ép hơn nữa lên Nga để chấm dứt các cuộc xung đột với Ukraine.
Ngoài ra, các quan chức cho biết, EU đang đưa thêm 105 tàu trong đội "tàu ngầm" gồm các tàu chở dầu cũ kỹ được Nga sử dụng để lách lệnh hạn chế xuất khẩu dầu vào danh sách đen. Điều này nâng tổng số tàu chở dầu ngầm bị đưa vào danh sách đen lên hơn 400 tàu.
Thị trường dầu mỏ đã bị rung chuyển bởi những lo ngại về sự ổn định nguồn cung trong những tháng gần đây, khi căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở cả Iran và khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ nói chung.