EU khẳng định không thay đổi lập trường về đàm phán hậu Brexit
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Anh João Vale de Almeida ngày 19/5 cho biết EU sẽ không đưa ra chỉ thị mới đàm phán lại các quy định thương mại hậu Brexit liên quan đến Nghị định thư Bắc Ireland, vốn là một phần quan trọng của thỏa thuận Brexit giữa hai bên.
Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu tại một sự kiện ở Westminster, ông Vale de Almeida nêu rõ EU sẽ giữ nguyên chỉ thị hiện tại đối với các cuộc đàm phán với Anh. Ông Almeida cũng bày tỏ quan ngại về mức độ tin cậy thấp giữa hai bên, cho rằng Anh chỉ đưa ra cho EU hai lựa chọn: đàm phán lại hoặc London sẽ hành động đơn phương để hủy bỏ Nghị định thư Bắc Ireland.
Đại diện EU đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị một dự luật nhằm hủy bỏ một số nội dung của thỏa thuận Brexit, nhấn mạnh rằng việc EU từ chối thay đổi lập trường đàm phán là "rất đáng thất vọng".
Trước đó, ngày 17/5, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết EU sẽ phản ứng "bằng mọi biện pháp" nếu Anh đơn phương tiến hành những thay đổi trong Nghị định thư Bắc Ireland.
Ông nêu rõ: "Nghị định thư Bắc Ireland là một thỏa thuận quốc tế được ký giữa EU và Vương quốc Anh. Các hành động đơn phương trái với một thỏa thuận quốc tế là không thể chấp nhận được". Theo ông, nghị định thư Bắc Ireland là một phần không thể thiếu trong thỏa thuận Brexit vốn là nền tảng cần thiết cho một thỏa thuận thương mại sau này.
Ông Maros Sefcovic đưa ra tuyên bố trên sau khi Chính phủ Anh cùng ngày 17/5 thông báo ý định tiến hành thay đổi các quy định thương mại hậu Brexit ở Bắc Ireland, khẳng định thay đổi này là cần thiết để chấm dứt tình trạng tê liệt chính trị tại vùng lãnh thổ này.
Nghị định thư Bắc Ireland là một phần của Thỏa thuận Brexit đưa Anh ra khỏi EU. Theo đó, để tránh thiết lập biên giới cứng trên bộ giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland thuộc EU mà vẫn đảm bảo hàng hóa từ Anh sang EU phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu, các bên nhất trí thiết lập các điểm kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại của Anh sang Bắc Ireland. Phe ủng hộ Anh tại vùng lãnh thổ này phản đối nghị định thư và tiến hành các cuộc biểu tình bạo động.
Áp lực giải quyết những khác biệt liên quan tới Nghị định thư gia tăng khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ủng hộ Bắc Ireland nằm trong Vương quốc Anh từ chối tham gia cơ quan điều hành chia sẻ quyền lực ở vùng lãnh thổ này sau cuộc bầu cử khu vực cho đến khi các vấn đề về Nghị định thư được giải quyết. DUP cho rằng các thỏa thuận thương mại trong Nghị định thư làm suy yếu vị trí của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh và phải được loại bỏ.
Anh cũng cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị định thư Bắc Ireland đe dọa hòa bình tại vùng lãnh thổ này và để ngỏ khả năng kích hoạt điều khoản thứ 16 của Thỏa thuận Brexit để dừng triển khai nghị định thư này nếu EU không đồng ý điều chỉnh văn kiện. Đến nay, Anh và EU vẫn chưa thể thống nhất cách xử lý vấn đề liên quan nghị định thư và vẫn tranh cãi qua lại.