EU 'không vội' đứng ra dàn xếp vụ Ukraine chặn dòng chảy dầu Nga

Ủy ban châu Âu cho biết quyết định của Ukraine về việc hạn chế Lukoil quá cảnh dầu thô Nga đến Hungary và Slovakia không gây ra 'vấn đề ngay lập tức'.

Việc Ukraine hồi tháng trước áp đặt lệnh trừng phạt lên gã khổng lồ dầu mỏ Lukoil khiến dòng chảy dầu thô Nga qua đường ống Druzhba bị chặn lại, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Hungary và Slovakia.

Điều này khiến Budapest và Bratislava hôm 22/7 đã khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC), yêu cầu cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU) đứng ra làm trung gian dàn xếp vụ việc.

Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây của các đại diện thương mại EU, 11 quốc gia thành viên ủng hộ lập trường của EC về việc "không vội" giải quyết tranh chấp về việc dừng vận chuyển dầu của Lukoil, trong khi không có quốc gia thành viên nào đứng về phía Hungary và Slovakia.

Tại cuộc họp báo hàng ngày tại Brussels hôm 25/7, một phát ngôn viên của EC cho biết quyết định của Ukraine về việc hạn chế Lukoil quá cảnh dầu thô Nga đến Hungary và Slovakia không gây ra "vấn đề ngay lập tức".

"Theo tôi hiểu thì không có tác động ngay lập tức nào đến an ninh nguồn cung dầu vào EU. Không có vấn đề ngay lập tức nào đối với 2 quốc gia thành viên liên quan vì họ có nguồn cung dự phòng trong 90 ngày theo luật pháp EU", phát ngôn viên Olof Gill cho biết.

EC tuyên bố rằng họ cần thêm thời gian để thu thập bằng chứng và đánh giá tình hình pháp lý trước khi đưa ra quyết định, vị phát ngôn viên nói thêm.

Hungary nhập khẩu khoảng 1/3 nguồn cung dầu của mình từ Lukoil Nga. Ảnh: RTE

Hungary nhập khẩu khoảng 1/3 nguồn cung dầu của mình từ Lukoil Nga. Ảnh: RTE

Các lệnh trừng phạt gần đây của Ukraine đã cấm Lukoil sử dụng đường ống chạy qua quốc gia này để vận chuyển dầu, ảnh hưởng đến cả Hungary và Slovakia – hai quốc gia cùng nhận 2 triệu tấn dầu thô mỗi năm từ Lukoil. Gã khổng lồ dầu mỏ Nga chiếm một nửa nguồn cung trên đường ống Druzhba, một huyết mạch quan trọng cho nguồn cung dầu của Đông Âu.

Hungary và Slovakia đã yêu cầu EC đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán với Ukraine như một bước đi trước khi có hành động pháp lý. Hai quốc gia thành viên này tuyên bố lệnh trừng phạt của Kiev đã vi phạm thỏa thuận liên kết năm 2014 giữa Ukraine và khối này.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary cảnh báo rằng hành động của Ukraine có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Các lệnh trừng phạt của Ukraine đối với dầu quá cảnh lãnh thổ của mình chỉ áp dụng cho Lukoil do tư nhân sở hữu. Nhà điều hành đường ống UkrTransNafta của Kiev sẽ từ chối các đơn xin vận chuyển dầu do Lukoil ký hợp đồng để đi qua Druzhba. Hoạt động quá cảnh dầu từ các công ty Nga khác là Rosneft do nhà nước sở hữu và Tatneft do tư nhân sở hữu không bị ảnh hưởng.

Hungary và Slovakia vẫn có các lựa chọn cho dầu của Nga, vì họ có thể khai thác nguồn cung thông qua các phần khác của hệ thống đường ống Druzhba. Trong khi dầu Nga nhập khẩu qua đường biển đã bị cấm vào EU từ cuối năm 2022, dầu chảy qua đường ống vẫn được phép.

Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của EU đối với dầu Nga do họ phụ thuộc nhiều vào loại nhiên liệu này của Moscow.

Bratislava đã đưa ra giải pháp cho Ukraine để khôi phục nguồn cung dầu bị chặn. Văn phòng Chính phủ Slovakia cho biết trong một tuyên bố hôm 26/7 rằng Thủ tướng Robert Fico đã thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, và ông Fico đã đề xuất "một giải pháp kỹ thuật mà một số quốc gia bao gồm Slovakia sẽ phải tham gia".

Sau quyết định của Kiev đối với Lukoil, Budapest đã đe dọa sẽ chặn việc giải ngân 6,5 tỷ Euro của Cơ sở Hòa bình châu Âu. Một phụ tá của Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 26/7 cáo buộc Ukraine "tống tiền" Hungary và Slovakia bằng cách dừng việc vận chuyển dầu.

Ông Mykhailo Podolyak, trợ lý Tổng thống Ukraine, hôm 26/7 đã phủ nhận cáo buộc trên, nói rằng quyết định của Ukraine đình chỉ việc vận chuyển dầu của Lukoil tới Hungary và Slovakia là phù hợp với lệnh trừng phạt của Kiev đối với công ty này và không liên quan gì đến "tống tiền".

Minh Đức (Theo bne IntelliNews, Politico EU, Straits Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/eu-khong-voi-dung-ra-dan-xep-vu-ukraine-chan-dong-chay-dau-nga-204240728210554802.htm