EU khủng hoảng khí đốt: Mỹ 'phớt' đồng minh, tăng bán LNG giá cao cho Trung Quốc

Trong khi châu Âu đang chìm trong cơn khủng hoảng khí đốt vì nguồn cung thiếu, giá tăng vọt, thì Mỹ hạn chế cung cấp cho đồng minh mà đàm phán hợp đồng LNG lớn có giá trị cao đối với Trung Quốc.

Mỹ có thể thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới

Theo ông Ivan Timonin, chuyên gia tư vấn của VYGON Consulting nhận định, trong năm tới, Mỹ có thể vượt mặt các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới như Australia và Qatar để chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu về cung cấp mặt hàng nhiên liệu này.

Theo ông, năm 2022 Hoa Kỳ có mọi cơ hội vươn lên vị trí dẫn đầu, nhờ hai dự án LNG lớn, đó là nhà máy Calcasieu Pass với 10 triệu tấn và dây chuyền thứ sáu của Sabine Pass với 5,2 triệu tấn, cả hai đều có khả năng đạt hết công suất vào cuối quý I của năm 2022.

Chuyên gia này cho biết, hiện Mỹ đang xếp thứ ba thế giới về cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp năng lượng Mỹ đã xuất khẩu 66,5 triệu tấn LNG. Còn hai nước đứng đầu là Australia và Qatar đã bán được 75,8 triệu tấn và 73,4 triệu tấn.

Đồng thời, riêng có Hoa Kỳ trong năm nay đã tăng đáng kể thị phần của mình so với năm trước, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đồng minh châu Âu khát năng lượng, Mỹ đang gia tăng bán LNG cho Trung Quốc

Trong khi đồng minh châu Âu khát năng lượng, Mỹ đang gia tăng bán LNG cho Trung Quốc

Trong năm 2021, Hoa Kỳ đảm bảo cung cấp 12,4% nguồn khí đốt hóa lỏng của châu Á-Thái Bình Dương, so với 7,9% trong năm 2020; trong khi đó, thị phần của Australia là 29,1% và của Qatar là 20%, vị trí thứ tư là Malaysia với 9%. Còn Nga trong năm 2021 sẽ bán cho thị trường châu Á khoảng 16 triệu tấn khí đốt hóa lỏng, leo lên vị trí thứ 5 trong khu vực với thị phần 6%.

Điều trớ trêu là trong khi các đồng minh châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất từ hơn nửa thế kỷ qua, đang khát khí đốt đến cùng cực mà vẫn thiếu nguồn cung, thì khách hàng lớn nhất của LNG Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương chính là Trung Quốc.

Tình hình nghiêm trọng do tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp thế giới đã buộc cuộc chiến thương mại giữa Washington với Bắc Kinh phải tạm dừng và hai bên đang đàm phán nhiều giao dịch lớn, trong đó có hợp đồng dài hạn rất lớn về khí tự nhiên hóa lỏng.

Mỹ bỏ mặc châu Âu, bán LNG giá cao sang châu Á

Theo giới chuyên gia Nga, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ không chỉ được xuất khẩu đến Trung Quốc mà còn sang cả thị trường châu Á nói chung. Giá cao nhất trên thị trường được quan sát thấy chính tại khi vực này. Vậy thì còn đâu khí đốt cho châu Âu?

Theo ông, trong những năm qua, giới lãnh đạo Mỹ đã tích cực thúc đẩy chủ đề cung cấp LNG cho châu Âu. Nhưng trong cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu vừa qua, câu hỏi trở nên khá logic là “LNG từ Mỹ chuyển tới đâu và cho ai”.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ được phân phối bởi các công ty thương mại quốc tế và họ sẽ đưa khí đốt đến nơi bán được giá cao hơn. Trong trường hợp này, giá bán LNG ở các thị trường châu Á là cao nhất, đây là nơi hầu như tất cả các nguồn cung đều tìm đến.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Á đã tăng hơn 5 lần trong năm 2021 theo hợp đồng giao ngay đã làm dấy lên lo ngại về khả năng thiếu điện trong mùa đông này. Một nguồn tin ở Bắc Kinh cho biết, sau khi thị trường trải qua biến động lớn gần đây, một số người mua đã hối tiếc vì đã không ký đủ nguồn cung cấp dài hạn.

Các thương vụ mới dự kiến sẽ sớm được công bố, điều này sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc với tư cách là một trong những khách hàng mua LNG lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, nguồn cung hàng hóa từ Hoa Kỳ gần đây đã trở nên rẻ hơn so với vài năm trước. Giờ đây, Trung Quốc hy vọng đến cuối năm nay, khối lượng thỏa thuận cung cấp LNG tối đa có thể sẽ được ký kết. Cho đến nay các thỏa thuận này vẫn có lợi đối với người mua Trung Quốc.

Do đó, nhà phân tích Nga cho rằng, Trung Quốc đang mua quá nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng và điều này tạo ra tình trạng khan hiếm ngay tại thị trường châu Á. Và bất kỳ thỏa thuận nào về nguồn cung mới với phía Mỹ cũng sẽ làm tăng thêm tình hình vốn đã khó khăn ở châu Âu.

Nguyễn Ngọc

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/eu-khung-hoang-khi-dot-my-phot-dong-minh-tang-ban-lng-gia-cao-cho-trung-quoc-post489663.antd