EU lần đầu xem xét 'tấn công' ngành năng lượng Nga trong các lệnh trừng phạt mới
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/4 đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, đây sẽ là lệnh trừng phạt đầu tiên của EU nhắm vào ngành năng lượng 'béo bở' của nước này, sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cho biết, lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga trị giá 4 tỷ Euro (4,4 tỷ USD) mỗi năm và sau đó, sẽ là các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm cả nhập khẩu dầu.
“Chúng tôi sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, trị giá 4 tỷ Euro (4,39 tỷ USD) mỗi năm. Lệnh trừng phạt này sẽ cắt giảm thêm một nguồn thu quan trọng khác của Nga”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố. Như vậy, EU đã quyết tâm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nền kinh tế Nga.
Cho đến nay, châu Âu vẫn chưa sẵn sàng nhắm mục tiêu vào năng lượng Nga vì lo ngại nó sẽ đẩy nền kinh tế châu Âu vào khó khăn.
Sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga, đồng nghĩa với việc phải tìm kiếm một sự đồng thuận giữa các thành viên châu Âu về các giải pháp về năng lượng - vốn là bài toán khó đối với khu vực này. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây về tình hình chiến sự và hệ lụy của nó đã làm gia tăng áp lực đối với EU, buộc phải sử dụng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn.
Mỹ và Anh trước đó đã tuyên bố cắt nhập khẩu dầu từ Nga. Các nước EU đã công bố nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga: Ba Lan tuyên bố đã có kế hoạch chặn nhập khẩu than và dầu. Trong khi Cộng hòa Litva cho biết, họ không còn sử dụng khí đốt tự nhiên của Nga.
Tuy nhiên, đề xuất cấm nhập khẩu than từ Nga vẫn phải được tất cả 27 quốc gia EU nhất trí thông qua và được đưa vào luật các biện pháp trừng phạt mới.
Với tham vọng sớm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon, EU đã dần từ bỏ than trong nhiều năm. Mặc dù sử dụng than giảm từ 1,2 tỷ tấn một năm xuống còn 427 triệu tấn trong giai đoạn 1990-2020, song nhập khẩu lại tăng từ 30% lên 60% lượng than sử dụng. Vào năm 2020, liên minh châu Âu nhập khẩu 53% than cứng từ Nga, chiếm 30% lượng tiêu thụ sản phẩm này của EU.
(theo AP)