EU loay hoay đa dạng hóa khí đốt khi bị Nga cắt nguồn cung
Liên minh châu Âu (EU) đang cùng Mỹ nhất quyết đối đầu Nga trong vấn đề Ukraine. Khi làm vậy, EU đã phải chấp nhận giảm nguồn cung năng lương từ Nga. Loay hoay tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, EU vẫn gặp phải muôn vàn khó khăn, bất trắc.
Các nước EU khẩn trương tìm nguồn khí đốt thay thế Nga
Trong quá khứ, Bỉ và Đức đã thực hiện một số lựa chọn khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc khí đốt Nga. Điện Kremlin đã có thể sử dụng sự phụ thuộc này để gây áp lực lên các quốc gia riêng lẻ và đôi lúc với cả khối Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã thay đổi tất cả. Các quốc gia châu Âu đang hành động để giảm sự phụ thuộc của họ vào năng lượng Nga.
Ủy ban châu Âu, chẳng hạn, đã ký một thỏa thuận cho phép Israel tăng cung khí đốt tự nhiên cho EU thông qua ngả Ai Cập. Về phần mình, Italy gần đây đã đồng ý gia tăng hợp tác với Algeria trong lĩnh vực năng lượng. Thỏa thuận đã biến Algeria thành nhà cung cấp khí đốt chính cho Italy.
Pháp cũng không ngồi yên. Họ đã ký kết một văn bản thỏa thuận đối tác với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhằm thúc đẩy việc sản xuất năng lượng hạt nhân và hydro.
Đức tháng 5 vừa qua đã đạt được một thỏa thuận với Qatar về khí đốt hóa lỏng. Còn Saudi Arabia đã ký các thỏa thuận với Hy Lạp trong một số ngành, bao gồm năng lượng.
EU gần đây đã ký kết một thỏa thuận để tiếp nhận khí tự nhiên vận chuyển qua hành lang Khí đốt phương Nam - hành lang này gồm một loạt các đường ống dẫn khí từ Azerbaijan sang châu Âu thông qua Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp các nỗ lực đó, tình hình vẫn u ám với châu Âu. Các biện pháp trên vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của EU. Việc sử dụng các thỏa thuận này như phương tiện hỗ trợ quá trình chuyển đổi của EU sang thời kỳ sử dụng năng lượng xanh có lẽ không khả thi nhiều. Còn năng lượng tái tạo có lẽ không bao giờ được tạo đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của châu Âu trong tương lai. Nếu châu Âu nhất quyết loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, sẽ không còn ai đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu khí nữa. Ai lại mạo hiểm làm vậy khi các cơ sở đó sẽ bị đóng cửa chỉ trong vài năm nữa và không còn cơ hội thu hồi vốn đầu tư?
Rủi ro cho châu Âu từ các đối tác mới
EU còn đối mặt với một thực tế khắc nghiệt khác nữa. Đa dạng hóa các nhà cung cấp năng lượng nước ngoài không loại trừ được rủi ro địa chính trị.
Một số nước Đông Âu và châu Phi mà châu Âu muốn mua năng lượng, lại có quan hệ gần gũi với Nga. Thí dụ, Ai Cập và Nga hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Algeria cũng có quan hệ chặt chẽ với Nga. Tháng 4 vừa rồi, Algeria đã bỏ phiếu chống lại việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ngoại trưởng Nga Lavrov đã thăm Algeria vào tháng 5 để củng cố hợp tác song phương trong ngành năng lượng.
Bên cạnh đó, UAE và Saudi Arabia đều đã cải thiện quan hệ với Nga, chủ yếu là do chính sách của Tổng thống Mỹ Biden đối với Iran và Yemen.
Libya có tiềm năng lớn trở thành nhà cung cấp năng lượng cho châu Âu nhưng quốc gia Bắc Phi này đang trong tình trạng hỗn loạn. Tình trạng bất ổn chính trị và thiếu an ninh công cộng đã khiến Libya không hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài.
Tất nhiên, Mỹ có thể trở thành một nguồn năng lượng đáng kể cho châu Âu. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn cam kết hạn chế việc mở rộng sản xuất dầu khí, coi đây là một phần trong quá trình “quá độ” mang tính chất bắt buộc tới thời kỳ sử dụng năng lượng tái sinh. Điều này cần sự thay đổi.
Hướng đi nào cho EU và đồng minh Mỹ?
Trong bối cảnh rộng nói trên, Mỹ và các nước châu Âu như Italy và Đức có lẽ nên lựa chọn các chính sách năng lượng thực tế hơn, hiệu quả hơn. Các chính sách đó bao gồm tăng cường khai thác trong nước và phát triển nhiên liệu carbon, mở mới và tái mở các nhà máy điện hạt nhân.
Mỹ và Liên minh châu Âu có thể đẩy nhanh củng cố quan hệ trong ngành khí đốt. Điều này có thể bảo đảm giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, từ đó giảm nhẹ áp lực địa chính trị từ Nga.
Học giả James Jay Carafano cho rằng Nhà Trắng cần thúc đẩy gia cố sườn phía Nam của NATO, bảo đảm an ninh cho các hành lang năng lượng tại đây. Châu Âu sẽ cần thêm nhiên liệu từ nguồn châu Phi (bao gồm Libya), Nam Kavkaz và Trung Á.
Châu Âu sẽ cần thêm nhiều đường ống dẫn khí nữa, như dự án EastMed. Đường ống EastMed nối Israel với Síp, Hy Lạp và Italy. Israel và Italy ủng hộ dự án này.
Một tuyến đường ống xuyên biển Caspia cũng bổ sung năng lượng cho châu Âu. Sáng kiến Ba Biển (gồm Baltic, Adriatic và Biển Đen) sẽ bao gồm các dự án khí đốt truyền thống nhằm đẩy nhanh quá trình cải thiện an ninh năng lượng châu Âu./.