EU, Mỹ quan ngại sâu sắc về sự cố với thanh sát viên IAEA tại Iran
Đại diện Liên minh châu Âu cho biết: 'Chúng tôi hiểu rằng sự cố đã được giải quyết và kêu gọi Iran đảm bảo không tái diễn các sự cố tương tự trong tương lai.'
Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/11 bày tỏ "lo ngại sâu sắc" trước sự cố liên quan đến một thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Iran hồi tuần trước dẫn tới việc bà đã không được phép vào bên trong nhà máy để thanh sát theo quy định.
Trong một tuyên bố tại cuộc họp đặc biệt của Ban lãnh đạo IAEA, đại diện của EU cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng sự cố đã được giải quyết và kêu gọi Iran đảm bảo không tái diễn các sự cố tương tự trong tương lai."
Tái khẳng định rằng EU "hoàn toàn tin tưởng vào sự chuyên nghiệp và không thiên vị của các thanh sát viên," tuyên bố trên kêu gọi "Iran đảm bảo rằng các thanh sát viên IAEA có thể thực hiện nhiệm vụ của mình phù hợp với thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý."
Trước đó, ngày 7/11, Iran thông báo ngừng hợp tác với một thanh sát viên hạt nhân của IAEA sau một sự cố mà bà gặp phải khi kiểm tra an ninh ở lối vào của nhà máy làm giàu urani Natanz ở miền Trung.
Thông báo của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) cho biết chuông báo động đã rung lên, báo hiệu rằng bà có thể mang theo một "vật dụng khả nghi" trên mình.
Theo IAEO, máy dò đã phát hiện "các dấu vết của chất nổ," vì vậy thanh sát viên này đã không được phép vào bên trong nhà máy theo quy định.
Tuy nhiên, thông báo không nói rõ liệu sau đó họ có tìm thấy vật dụng khả nghi nào hay không. Thanh sát viên trên đã rời Iran về Vienna, nơi đặt trụ sở của IAEA.
Đại sứ của Mỹ tại IAEA Jackie Wolcott nhận định sự cố trên là "hành động thái quá" của Iran, đồng thời nhấn mạnh "các thành viên Ban lãnh đạo IAEA cần hiểu rõ rằng hành động như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được."
Ông Wolcott cũng cho biết đã đến lúc Iran phải trả lời các câu hỏi của IAEA về các dấu vết của urani được tìm thấy tại cơ sở hạt nhân này đầu năm nay.
Theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ chịu giám sát liên tục từ IAEA.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ tuyên bố rút lui và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran để buộc quốc gia này trở lại bàn đàm phán sửa đổi thỏa thuận.
Trong khi đó, Iran khẳng định sẽ không nhượng bộ và dần điều chỉnh thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận.
Sáng 7/11, Iran đã bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu urani dù theo thỏa thuận, Iran nhất trí đưa cơ sở Fordow thành một trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ, còn 1044 máy ly tâm tại đây sẽ được sử dụng vì các mục đích khác, không phải làm giàu urani./.