EU sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất trong đàm phán thương mại với Mỹ
Liên minh châu Âu (EU) từng kỳ vọng sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ để giữ mức thuế quan trong tầm kiểm soát, song giờ đây khối này đang chuẩn bị cho một kịch bản đáp trả.

Cờ Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo bài viết độc quyền đăng trên tờ Wall Street Journal, một số nguồn thạo tin cho biết, trong các trao đổi gần đây với Ủy viên Thương mại và An ninh Kinh tế EU Maros Sefcovic, giới chức Mỹ đã bày tỏ quan điểm cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ yêu cầu EU nhượng bộ nhiều hơn, nếu muốn đạt được thỏa thuận.
Cụ thể, mức thuế cơ bản đối với hầu hết hàng hóa châu Âu có thể ở ngưỡng 15% hoặc thậm chí cao hơn – một mức cao hơn đáng kể so với đề xuất 10% mà phía EU từng chấp nhận. Cần lưu ý rằng thuế 10% vốn đã là một nhượng bộ không nhỏ đối với nhiều quốc gia trong số 27 thành viên EU.
Thông tin này được cho là một "cú sốc khó chịu" đối với EU, khiến Đức – nền kinh tế lớn nhất và nước xuất khẩu hàng đầu của khối – chuyển từ lập trường ôn hòa trước đây sang quan điểm cứng rắn hơn, tiệm cận với cách tiếp cận của Pháp.
EU tính đến phản ứng mạnh tay với Mỹ
Nguồn tin cho biết các quốc gia thành viên EU đang gây sức ép lên Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của khối, yêu cầu chuẩn bị biện pháp mạnh mẽ mới để đáp trả các công ty Mỹ - những biện pháp vượt ra ngoài việc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 1/8 do ông Trump đặt ra. Một quan chức Đức ngày 18/7 cho biết vẫn còn thời gian để hoàn tất thỏa thuận Mỹ-EU, nhưng kèm theo đó là thông điệp “mọi lựa chọn đều đang được cân nhắc và nếu họ muốn chiến tranh thương mại, họ sẽ có chiến tranh thương mại”.
Nỗ lực tăng cường các biện pháp đối phó tiềm năng đánh dấu một bước ngoặt đối với EU sau nhiều tháng đàm phán nhằm cứu vãn quan hệ thương mại lớn nhất thế giới. Theo số liệu của EU, hơn 5 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ được trao đổi giữa hai nền kinh tế này mỗi ngày. Ngày 20/7, EC cho biết châu Âu muốn đạt được một thỏa thuận theo hình thức thương lượng, đôi bên cùng có lợi và khẳng định vẫn đang tích cực tham gia đàm phán. Nếu không tìm được kết quả thỏa đáng, “mọi lựa chọn vẫn còn trên bàn” - một người phát ngôn của EC nêu quan điểm trong trao đổi với Wall Street Journal.Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận với EU. Xuất hiện trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS, ông Lutnick tin tưởng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận, và điều này “sẽ rất có lợi cho nước Mỹ, vì Tổng thống luôn đứng về phía người dân Mỹ”.Kể từ khi ông Trump lên nhậm chức, người phụ trách chính sách thương mại của EU Maros Sefcovic đã đến Washington sáu lần. Ông cũng nhiều lần điện đàm, trao đổi với các quan chức thương mại Mỹ. Ông cũng đã nói rằng châu Âu sẵn sàng giảm thuế và mua hàng chục tỷ USD các sản phẩm năng lượng và chất bán dẫn tiên tiến của Mỹ. Nhưng những nỗ lực đó của EU gần như không mang lại kết quả nào. Đầu tháng này, ông Trump đã cảnh báo áp mức thuế 30% lên phần lớn hàng nhập khẩu từ EU, cao hơn so với mức thuế đối ứng 20% đối với EU mà ông từng tuyên bố trong “Ngày giải phóng” - ngày 2/4.Theo một số nguồn thạo tin, ngay cả các quan chức Đức, từng mong muốn đạt thỏa thuận nhanh chóng, giờ cũng không tin tưởng vào việc đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Ngày 18/7, Berlin phát tín hiệu về việc có thể ủng hộ EU sử dụng cái gọi là công cụ chống cưỡng ép (anticoercion instrument) - một công cụ pháp lý cho phép khối đáp trả lại hành vi cưỡng ép kinh tế bằng hàng loạt biện pháp hạn chế về thương mại và đầu tư. Công cụ này trước đây chưa từng được sử dụng. Các quan chức EU coi đây là "vũ khí" thương mại mạnh nhất của khối và là biện pháp sau cùng. Đầu tháng 7/2025, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, tuyên bố công cụ này được tạo ra cho những tình huống khẩn cấp "và EU chưa ở mức đó". Tuy nhiên, đánh giá này có thể thay đổi.Theo những người am hiểu tiến trình đàm phán, EC đang chuẩn bị các biện pháp có thể được triển khai bằng công cụ chống cưỡng ép. Sau khi ông Sefcovic trở về từ Washington, ngày càng có nhiều thành viên EU bày tỏ sẵn sàng ủng hộ việc sử dụng công cụ này. Các biện pháp đang được lên kế hoạch bao gồm: áp thuế hoặc những hạn chế khác đối với dịch vụ số của Mỹ, hạn chế quyền tiếp cận của các công ty Mỹ vào thị trường mua sắm công của EU. Đây là các biện pháp bổ sung bên cạnh những gói biện pháp mà EU đã chuẩn bị từ trước. EU từng soạn thảo hai gói thuế quan nhằm vào hơn 100 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang khối, từ máy bay cho đến bơ đậu phộng và rượu whiskey, nhưng chưa được áp dụng trên thực tế. Gói thứ hai vẫn cần sự phê duyệt chính thức từ những quốc gia thành viên, nhưng theo các quan chức, cả hai đều có thể được kích hoạt nhanh chóng nếu cần.Những kỳ vọng vào đàm phánGiới chức EU và lãnh đạo các nước thành viên vẫn hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ. EU không có kế hoạch trả đũa trước hạn chót ngày 1/8 mà ông Trump đặt ra. Việc chuẩn bị gói biện pháp sử dụng công cụ chống cưỡng ép không nhất thiết có nghĩa EU sẽ triển khai công cụ này. Tuy nhiên, EU đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu tiềm tàng – một đối đầu mà chính EU thừa nhận sẽ gây tổn thất lớn cho cả hai bên trong quan hệ thương mại trị giá hàng nghìn tỷ USD.Thỏa thuận mà hai bên gần đạt được hồi đầu tháng Bảy bao gồm việc EU cam kết tăng cường mua năng lượng và chất bán dẫn từ Mỹ, cũng như chấp nhận mức thuế cơ bản 10% đối với phần lớn hàng hóa. Theo nguồn thạo tin, một số yếu tố vẫn đang được đàm phán, như xác định ngành nào sẽ được miễn áp thuế cơ bản liệu sản phẩm ô tô châu Âu có được cắt giảm sâu so với mức thuế 25% mà Mỹ đang dựng lên hay không.Tuy vậy, EC vẫn tỏ ra lạc quan. Trong khi các đối tác thương mại khác của Mỹ đã nhận được thư thông báo về mức thuế cao hơn mà họ sắp đối mặt, ông Sefcovic nói với các nhà lập pháp EU hôm 9/7 rằng các cuộc đàm phán đã giúp EU tránh được việc phải đối mặt với mức thuế cao hơn. Nhưng ba ngày sau, ông Trump đăng một bài viết trên mạng xã hội, cảnh báo áp mức thuế 30% đối với EU bắt đầu từ ngày 1/8.Ông Sefcovic đã đến Washington ngày 16/7 để thẩm định tính khả thi về đạt thỏa thuận với Mỹ. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer gợi ý rằng thuế phổ quát 10% hai bên đã đàm phán trước đó vẫn là mức hợp lý, nhưng ông Lutnick lại cho rằng mức thuế đó cần phải cao hơn. Một số nguồn tin cho biết ông Sefcovic rời Mỹ với nhận thức rằng Mỹ đang thúc ép một mức thuế từ 15% trở lên. Theo một nguồn tin, ông Sefcovic cũng được phía Mỹ thông báo rằng thuế đối với ô tô của EU sẽ vẫn giữ nguyên ở mức 25% và thuế đối với dược phẩm nhập khẩu có thể bị áp ở mức 100%.Pháp và một số quốc gia EU khác từ lâu đã thúc đẩy EU có lập trường cứng rắn hơn với Mỹ, trong khi Đức lại khuyến khích khối nên tìm cách đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhanh chóng với ông Trump. Ban đầu, các nhà lãnh đạo Đức coi bức thư cảnh báo áp thuế 30% của ông Trump là một đòn "phút chót" để buộc EU nhượng bộ thêm. Nhưng họ đã mất kiên nhẫn sau khi nhận ra rằng phía Mỹ đang gây áp lực để EU chấp nhận mức thuế cơ bản cao hơn, mà không có nhượng bộ nào đối với ngành ô tô. Diễn biến này đã thuyết phục Berlin mở cánh cửa về biện pháp trả đũa.Giờ đây, các nước thành viên EU phải xác định xem họ sẵn sàng nhượng bộ thêm đến đâu để đạt được thỏa thuận với Mỹ và sẽ thực hiện những biện pháp đối phó nào nếu đàm phán thất bại - một nhà ngoại giao EU tiết lộ ngày 18/7. “Lựa chọn nào cũng sẽ gây tổn thất”, người này chia sẻ.