EU sẵn sàng đáp trả thuế quan Mỹ bằng gói biện pháp trị giá 109 tỷ USD
Ngày 24/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất thông qua việc áp thuế lên một số mặt hàng của Mỹ trị giá 93 tỷ Euro, tương đương 109 tỷ USD kể từ ngày 7/8 nếu các đàm phán thuận thuế quan không đạt tiến triển.
Ngày 24/7, 26 nước thành viên EU, không bao gồm Hungary, đã nhất trí thông qua các biện pháp áp thuế lên một số mặt hàng của Mỹ nhằm đáp trả mức thuế mới mà Washington áp đạt lên khối này.
Động thái mới của EU bao gồm một gói áp thuế hàng hóa Mỹ trị giá 21 tỷ Euro (24,7 tỷ USD) được thông qua trước đó và một gói áp thuế mới được thông qua gần đây, có giá trị 72 tỷ Euro (84,5 tỷ USD) nhằm vào hàng chục sản phẩm xuất khẩu chính của Mỹ sang châu Âu như đậu nành, máy bay và ô tô.

Ủy ban châu Âu nhấn mạnh các hành động áp thuế của EU nhằm mục đích đối phó với mức thuế quan 30% mới công bố của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 sắp tới - Ảnh: CFTC
Trước đó một ngày, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh các hành động áp thuế của EU nhằm mục đích đối phó với mức thuế quan 30% mới công bố của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 sắp tới, đồng thời khẳng định mục tiêu chính vẫn là tìm ra một giải pháp "đôi bên cùng có lợi" với Washington.
Một số nguồn tin châu Âu cho biết EU đã lên kế hoạch sử dụng "Công cụ chống cưỡng chế" (ACI), được Khối 27 nước châu Âu ví như vũ khí tối thượng, cho phép liên minh áp dụng các biện pháp vượt ra ngoài khuôn khổ các loại thuế hải quan đơn thuần.
ACI sẽ có thể bao gồm mức thuế đặc biệt nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, hạn chế các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào EU, hoặc cấm các công ty Mỹ tham gia đấu thầu các hợp đồng công ở châu Âu.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tất cả những kế hoạch của EU vẫn đang trong quá trình "thai nghén", mang tính răn đe nhiều hơn áp dụng thực tiễn bởi việc áp thuế song song sẽ không có lợi cho đôi bên. Chia sẻ với báo giới, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu Olof Gill bày tỏ tin tưởng về một kết quả đàm phán làm hài lòng đôi bên và nhấn mạnh cả châu Âu đang nỗ lực về điều đó.