Lệnh trừng phạt của phương Tây không khiến Nga khuất phục
Bước sang năm thứ tư của cuộc xung đột, những số liệu của nền kinh tế Nga khiến giới quan sát cho rằng Moscow vẫn có thể duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine trong nhiều năm nữa.
Telegraph dẫn các số liệu cho biết, tăng trưởng năm ngoái của Nga đạt 4,3%, tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2%, tài khoản vãng lai thặng dư, nợ công trên GDP hơn 20% và thâm hụt ngân sách chỉ ở mức 1,8%.
Trong điều kiện bình thường, những số liệu trên được cho là minh chứng cho một nền kinh tế kiểu mẫu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến khích các nước hướng tới.

Ảnh minh họa: Globsec
Bước sang năm thứ tư của cuộc xung đột, với những số liệu trên của nền kinh tế, giới quan sát cho rằng Nga vẫn có thể duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine trong nhiều năm nữa. Ban đầu, phương Tây cho rằng các biện pháp trừng phạt mà họ cho là lớn nhất và hiệu quả nhất sẽ khiến Moscow khuất phục. Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng.
Trên thực tế, Nga đã tìm ra các biện pháp thoát khỏi lệnh trừng phạt một cách tương đối dễ dàng, cũng như nhanh chóng thiết lập quan hệ với các đối tác thương mại thay thế để bù đắp cho khoảng trống do các nhà cung cấp và khách hàng phương Tây để lại.
Đến nay, châu Âu vẫn mua một lượng đáng kể dầu và khí đốt từ Nga, trong khi Mỹ đã nhiều lần cấp miễn trừ nhập khẩu từ phân bón cho đến các thanh nhiên liệu hạt nhân.
Tóm lại, các biện pháp trừng phạt không đem lại hiệu quả như dự kiến. Gói trừng phạt thứ 18 mới đây của Liên minh châu Âu được cho là cũng khó tránh khỏi thất bại tương tự.
Nga thực sự gặp khó khăn trong việc thích nghi khi không thể tiếp cận các mặt hàng phương Tây từng trao đổi thường xuyên. Đó là một phần nguyên nhân khiến hãng sản xuất ô tô lớn nhất nước này là Avtovaz phải cắt giảm sản lượng trong tuần qua do ngày càng khó tìm được linh kiện cần thiết.
Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn” và nền kinh tế Nga đang chứng minh khả năng chống chịu tốt hơn nhiều so với những gì giới quan sát phương Tây dự đoán.
Trên thực tế, chính quyền đã tái áp dụng các quy tắc tài khóa từng bị đình chỉ trong đại dịch. Quỹ Tài sản Quốc gia vẫn sở hữu lượng tài sản tương đương 2% GDP, số dư ngân khố ở mức 3,5% và dự trữ ngoại hối đạt 350 tỷ USD, chưa kể khoảng 280 tỷ USD tài sản bị đóng băng ở Euroclear và các nơi khác do lệnh trừng phạt. Thậm chí, theo một số nhà quán sát, các “vùng đệm” kinh tế này đủ lớn để Tổng thống Putin duy trì cuộc xung đột ở Ukraine trong nhiều năm.
Với tỷ lệ chi tiêu quân sự duy trì ở mức cao, có thể lên tới hơn 8% GDP, nền kinh tế Nga vẫn còn cách rất xa so với viễn cảnh sụp đổ toàn diện mà nhiều nhà phân tích phương Tây hình dung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế 100% với bất kỳ ai nhập khẩu hàng hóa từ Nga nếu nước này không chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ và Trung Quốc ngừng mua dầu Nga, họ buộc phải tìm nguồn thay thế và điều này có thể đẩy giá dầu toàn cầu tăng vọt. Hơn nữa, nếu ông Trump thực hiện các biện pháp trừng phạt thứ cấp, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ, có thể bao gồm cả việc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Điều này phơi bày thực tế rằng Mỹ không nắm toàn bộ lợi thế trên bàn cờ.
Một hướng đi khác là các đồng minh phương Tây tiếp tục siết chặt giá dầu xuất khẩu của Nga - vốn là nguồn thu quan trọng nhất của nền kinh tế nước này. Nếu nguồn thu này bị bóp nghẹt, kinh tế Nga có thể sớm rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Tuần trước, EU đã giảm mức giá trần từ 60 USD xuống còn 47,6 USD/thùng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa đồng thuận và thực tế là từ trước đến nay, cơ chế áp trần giá này luôn thiếu hiệu lực. Nga đã tìm ra nhiều cách để lách qua quy định.
Rõ ràng, nền kinh tế Nga vẫn đủ sức kéo dài tình trạng hiện tại trong một thời gian nữa.