EU sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho Cuba và Mỹ

Hãng thông tấn quốc gia Cuba (ACN) ngày 1/4 (giờ địa phương) đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho mối quan hệ Cuba và Mỹ. La Habana ngay lập tức đã bày tỏ hoan nghênh đối với động thái này.

Hôm 2/4 vừa qua, ông Josep Borrel Fontelles, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đồng thời là Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại đã chấp nhận đề nghị của Nhóm Hữu nghị và Đoàn kết với nhân dân Cuba tại Nghị viện châu Âu (EP) làm trung gian thuyết phục chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa Cuba ra khỏi cái gọi là “danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố” của Washington.

Trong bức thư gửi tới thành viên EP, ông Josep Borrel Fontelles nhấn mạnh, trong các cuộc tiếp xúc với chính quyền mới tại Mỹ, EU sẽ đề cập tới vấn đề này và kêu gọi Washington rút La Habana ra khỏi danh sách trên.

Trong phản ứng đầu tiên, ACN dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba Ana Mari Machado bày tỏ hoan nghênh quyết định trên của EU, đồng thời khẳng định quốc gia Caribe này không tài trợ hoặc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Bà Ana Mari Machado nhấn mạnh Cuba luôn ủng hộ hòa bình, sự đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân các quốc gia.

Chia sẻ quan điểm này, ông Carlos Pereira, Đại sứ Cuba tại Trung Quốc cũng khẳng định, Cuba chỉ nuôi dưỡng và khuyến khích tinh thần đoàn kết, chứ không phải khủng bố.

Cờ Cuba và Mỹ. Ảnh: 4liberty

Cờ Cuba và Mỹ. Ảnh: 4liberty

Lâu nay, dư luận vẫn luôn hy vọng quan hệ song phương Cuba-Mỹ có thể quay lại với thực trạng của tiến trình bình thường hóa như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Lần chuyển giao chính quyền tại Mỹ vừa qua có lẽ là một trong những cuộc thay đổi mang lại nhiều kỳ vọng mới nhất, và ngay cả Cuba cũng trông đợi chính quyền mới ở Washington sẽ tỏ ra hòa hoãn hơn.

Và quả thật, Tổng thống Joe Biden có thể áp dụng một vài bước đi để đảo ngược các biện pháp trừng phạt phi lý của người tiền nhiệm Donald Trump qua các sắc lệnh tổng thống, như việc nối lại các chuyến bay thương mại giữa hai nước, tái lập hoạt động xuất nhập khẩu nông sản và kéo dài việc cấp phép, khôi phục quyền gửi tiền cho người thân của kiều dân Cuba qua hệ thống ngân hàng Western Union, và thậm chí là tái khởi động và mở rộng các trao đổi kiểu “từ nhân dân tới nhân dân”. Tất cả các biện pháp này về lý thuyết đều có thể thực hiện sớm và khá dễ dàng.

Tuy nhiên, việc chính quyền của ông Donald Trump đưa Cuba trở lại danh sách “các nước bảo trợ khủng bố” hôm 11/1 vừa qua đã khiến triển vọng trở lại với quá trình bình thường hóa quan hệ bị đẩy xa hơn và không chỉ còn phụ thuộc vào những sắc lệnh tổng thống.

Có thể từ thời điểm này, hầu như tất cả các biện pháp vừa kể trên có thể phải chờ đợi để chính quyền mới tại Washington hành động với mục tiêu cụ thể, theo đó rút La Habana khỏi “danh sách đen” mà họ bị liệt vào năm 2015 - sau hơn 3 thập niên bị liệt vào danh sách này hồi năm 1982.

Động thái này một lần nữa đòi hỏi chính quyền Tổng thống Joe Biden phải tích hợp lại những lập luận tương tự như những người tiền nhiệm trong chính phủ của ông Barack Obama từng làm, nhưng chắc chắn là sẽ diễn ra trong một hiện trạng khẩn cấp ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu rất khác so với năm 2015.

Theo giới chuyên gia, ít nhất là trong tương lai gần, Cuba vẫn chưa nằm trong số các đề tài quan trọng đối với chính quyền mới tại Mỹ. Sự hiện diện của Cuba trong cái gọi là “danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố” là một rào cản ban đầu cho việc xích lại gần nhau, nhưng Tổng thống vẫn có thể thúc đẩy nghị trình bằng những cách khác.

Trong khi đó, những người quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với Cuba thuộc cả 2 đảng có thể sẽ khởi động lại các hoạt động vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ. Việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt và thậm chí là việc chấm dứt chính sách bao vây cấm vận đòi hỏi thời gian chuẩn bị và mọi nỗ lực có thể.

Mới đây Trung tâm Dân chủ châu Mỹ (CDA) và Văn phòng Mỹ Latinh tại Washington (WOLA) đã cùng biên soạn một báo cáo chi tiết cung cấp một bản đồ chính trị để quay lại với những điểm từng đạt được trong quan hệ song phương 4 năm về trước, và đây có thể coi là một chỉ dẫn chi tiết mà chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sử dụng để tham khảo nếu muốn tái khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ, tất nhiên là sau khi giải quyết được vấn đề “danh sách bảo trợ khủng bố”.

Bối cảnh tại hai nước đã thay đổi nhiều so với cách đây 4 năm, và cho dù mong muốn xích lại gần nhau vẫn còn đó, thì những bộ phận chính trị muốn phá hỏng tiến trình này tại ở cả 2 bờ của Eo biển Florida cũng luôn mạnh mẽ hơn trong thời gian qua. Đồng thời, mối quan tâm và mong muốn này là không cân xứng: Xã hội Cuba có nhiều động lực và nhu cầu cải thiện quan hệ với Mỹ hơn, nhưng Washington mới là bên chủ động có thể đưa ra bước đi ý nghĩa đầu tiên.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/eu-san-sang-lam-trung-gian-hoa-giai-cho-cuba-va-my-636163/