EU sẽ hạn chế tiền phạt Apple và Meta để tránh gia tăng căng thẳng với ông Trump
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thực thi các quy định kỹ thuật số với các tập đoàn công nghệ lớn nhưng áp dụng mức phạt tài chính thấp với các vi phạm.
EU dự kiến sẽ áp dụng mức phạt tối thiểu với Apple và Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) vào tuần tới theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), khi tìm cách tránh gia tăng căng thẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trang FT đưa tin.
Theo những người am hiểu về quyết định này, Apple dự kiến sẽ bị phạt và buộc phải sửa đổi các quy tắc của App Store, sau khi có cuộc điều tra về việc liệu gã khổng lồ công nghệ Mỹ có ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng hướng người tiêu dùng đến các ưu đãi bên ngoài nền tảng của họ hay không.
Các cơ quan quản lý EU sẽ đóng lại một cuộc điều tra khác về Apple liên quan đến thiết kế màn hình lựa chọn trình duyệt web mà không có thêm hình phạt nào.
Meta Platforms cũng sẽ bị phạt và nhận yêu cầu thay đổi mô hình “trả phí hoặc đồng ý” của mình, vốn buộc người dùng hoặc phải đồng ý cho phép theo dõi dữ liệu hoặc phải trả phí đăng ký để có trải nghiệm không có quảng cáo trên các sản phẩm của họ.
Theo DMA, các công ty có thể phải chịu mức phạt tối đa đến 10% doanh thu toàn cầu của họ, điều này có thể dẫn đến khoản tiền phạt lên đến hàng tỉ USD với cả Apple và Meta Platforms.
Tuy nhiên, ba quan chức cho biết Ủy ban châu Âu (cơ quan điều hành EU) đang hướng đến mức phạt thấp hơn nhiều so với ngưỡng này, vì bộ quy tắc kỹ thuật số của khối vẫn còn tương đối mới và các quyết định này vẫn có thể bị thách thức tại tòa án.
Động thái này diễn ra khi EU cố gắng thực thi DMA, đạo luật được thiết kế để hạn chế sự thống trị của các gã khổng lồ công nghệ trên thị trường kỹ thuật số, đồng thời tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ.

EU dự kiến sẽ áp dụng mức phạt tối thiểu với Apple và Meta Platforms vào tuần tới để tránh gia tăng căng thẳng với ông Trump - Ảnh: Anadolu
Các quan chức cho biết trọng tâm của Ủy ban mới, được bổ nhiệm vào tháng 12.2024, hướng nhiều hơn vào việc đảm bảo các hãng công nghệ lớn tuân thủ luật thay vì đưa ra khoản tiền phạt cao lên đến hàng tỉ euro.
Các cơ quan quản lý ở EU dự kiến sẽ hủy bỏ vụ việc liên quan đến việc liệu hệ điều hành của Apple có gây khó khăn người dùng khi họ muốn chuyển đổi trình duyệt hoặc công cụ tìm kiếm hay không, sau khi nhà sản xuất iPhone thực hiện hàng loạt thay đổi để tuân thủ các quy định.
Việc áp đặt bất kỳ hình thức phạt nào với các hãng công nghệ Mỹ đều có nguy cơ gây phản ứng dữ dội. Ông Trump từng trực tiếp chỉ trích các khoản phạt của EU với các công ty Mỹ, gọi đó là một “hình thức đánh thuế” và so sánh với “tống tiền ở nước ngoài”.
“Đây là một bài kiểm tra quan trọng với Ủy ban châu Âu. Việc nhắm mục tiêu nhiều hơn vào các hãng công nghệ Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng xuyên Đại Tây Dương và có thể dẫn đến các hành động trả đũa. Cuối cùng, chính các quốc gia thành viên EU và doanh nghiệp châu Âu sẽ phải gánh chịu hậu quả”, người thuộc một trong những công ty bị ảnh hưởng tuyên bố.
Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ áp đặt thuế quan với các quốc gia áp thuế dịch vụ kỹ thuật số với các công ty Mỹ. Theo một bản ghi nhớ được công bố vào tháng trước, Trump tuyên bố ông sẽ xem qua các chính sách thuế và quy định “hạn chế sự phát triển” của các tập đoàn Mỹ hoạt động ở nước ngoài.
Meta Platforms trước đó tuyên bố rằng những thay đổi của họ “đáp ứng yêu cầu từ các cơ quan quản lý EU và thậm chí còn vượt xa những gì luật khối này yêu cầu”. EU gây ra rất nhiều phiền toái cho Meta Platforms nhiều năm qua khi công ty này phải đối mặt với hàng tỉ USD tiền phạt từ các cơ quan quản lý.
Những quyết định dự kiến, mà các quan chức cho biết vẫn có thể thay đổi trước khi công bố, sẽ được trình lên đại diện 27 quốc gia thành viên EU hôm 28.3. Thông báo về mức phạt với Apple và Meta Platforms sẽ được đưa ra vào tuần tới, dù thời gian này cũng có thể thay đổi.
Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về thông tin trên.
Hôm 19.3, Ủy ban châu Âu đã cáo buộc Alphabet (công ty mẹ Google) vi phạm DMA. Trong những phát hiện sơ bộ, các nhà quản lý EU bày tỏ lo ngại rằng công cụ tìm kiếm Google ưu tiên các dịch vụ của chính họ hơn so với đối thủ, dù đã có một loạt thay đổi. EU cũng xem xét liệu Google có đang kìm hãm cạnh tranh bằng cách gây khó khăn cho các nhà phát triển trong việc hướng người tiêu dùng đến các ưu đãi bên ngoài kho ứng dụng của mình hay không.
Các công ty vi phạm DMA có thể bị phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu, và mức phạt có thể tăng lên 20% với các trường hợp tái phạm.
Cũng trong ngày 19.3, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Apple mở hệ điều hành của mình hơn nữa để hỗ trợ các thiết bị kết nối, chẳng hạn đồng hồ thông minh hoặc tai nghe từ các thương hiệu khác. Quyết định này có thể buộc Apple phải mở hệ điều hành iOS tại EU, dù công ty đã thực hiện một số nhượng bộ nhằm tránh các hành động pháp lý từ khu vực này.
Quyết định về Apple chưa dẫn đến khoản tiền phạt ngay lập tức. Song nếu công ty từ chối tuân thủ, Ủy ban châu Âu có thể thực hiện các biện pháp bổ sung theo DMA, cuối cùng có thể dẫn đến các hình phạt tài chính.
Apple cho biết quyết định của Ủy ban châu Âu đang gây rào cản, làm chậm khả năng đổi mới của họ tại châu Âu và buộc gã khổng lồ công nghệ Mỹ này phải cung cấp miễn phí các tính năng mới cho các công ty không phải tuân theo các quy tắc tương tự. “Điều đó có hại cho sản phẩm của chúng tôi và người dùng châu Âu”, Apple thông báo.
Bà Teresa Ribera, Giám đốc Cơ quan Cạnh tranh của EU, tuyên bố: “Các công ty hoạt động trong EU, bất kể nơi đăng ký kinh doanh, đều phải tuân thủ các quy tắc của EU, gồm cả DMA. Với những quyết định này, chúng tôi chỉ đang thực thi luật pháp”.
"Ông Trump đã làm đảo lộn quan hệ giữa Mỹ và châu Âu"
Giữa tháng 2, bà Teresa Ribera cho rằng Tổng thống Trump đã làm đảo lộn "mối quan hệ tin cậy" giữa Mỹ và châu Âu.
Teresa Ribera, quan chức quyền lực thứ hai tại Ủy ban châu Âu sau Chủ tịch Ursula von der Leyen, nói với Reuters rằng dù châu Âu cần đàm phán với Nhà Trắng và lắng nghe những lo ngại của họ về thương mại, nhưng EU không nên bị ép buộc thay đổi các luật đã được các nhà làm luật thông qua.
"Chúng ta cần giữ vững sức mạnh và nguyên tắc của mình", bà nói trong một cuộc phỏng vấn tại London (thủ đô Anh) hôm 17.2, chỉ trích cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông Trump trong chính trị.
"Chúng ta cần linh hoạt, nhưng không thể thỏa hiệp về nhân quyền, cũng như không thỏa hiệp về sự thống nhất của châu Âu. Chúng ta cũng sẽ không thỏa hiệp về nền dân chủ và các giá trị", Teresa Ribera tuyên bố.

Bà Teresa Ribera cho rằng ông Trump đã làm đảo lộn "mối quan hệ tin cậy" giữa Mỹ và châu Âu - Ảnh: Reuters
Trump và các thành viên khác trong chính quyền của ông đã chỉ trích EU vì đưa ra quá nhiều quy định và coi các khoản tiền phạt với các hãng công nghệ Mỹ như hình thức "đánh thuế".
Đầu tháng 2, Phó tổng thống Mỹ JD Vance cho rằng các ủy viên EU đang "đàn áp tự do ngôn luận" do các điều khoản trong Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của khối này, cho phép EU tạm thời hạn chế quyền truy cập vào một nền tảng trực tuyến hoặc công cụ tìm kiếm trong các tình huống khẩn cấp.
Đáp lại, Teresa Ribera chỉ trích cách tiếp cận của Mỹ, ám chỉ rằng việc gây sức ép hoặc áp đặt không phải là cách hợp lý để đàm phán với EU.
Teresa Ribera có quyền phê duyệt hoặc phủ quyết các thương vụ sáp nhập trị giá hàng tỉ euro, cũng như áp đặt các khoản tiền phạt lớn với các công ty tìm cách gia tăng quyền lực thị trường bằng cách bóp nghẹt các đối thủ nhỏ hơn. Ngoài ra, bà còn giám sát chương trình nghị sự xanh của EU và có nhiệm vụ đảm bảo khối này đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030.
Căng thẳng đang gia tăng sau quyết định của ông Trump áp đặt thuế 25% với thép và nhôm EU từ ngày 12.3, áp thuế đáp trả từ tháng 4, áp các mức thuế riêng với ô tô, dược phẩm và chip bán dẫn EU.
Teresa Ribera chỉ ra sự thiếu chắc chắn và ổn định ở phía bên kia Đại Tây Dương so với châu Âu, đồng thời nhấn mạnh rằng đây không phải là điều mà doanh nghiệp mong muốn trong dài hạn.
"Họ muốn một hệ sinh thái và khung pháp lý mang lại sự chắc chắn, ổn định và khả năng dự đoán. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta không nghe thấy câu hỏi này được đặt ra theo hướng ngược lại với chính quyền Trump. Tôi không thấy bất kỳ sự ổn định, chắc chắn hay tính hợp lý nào trong những tuyên bố này. Điều đó khá sốc", Teresa Ribera cho hay.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều phối chính sách thương mại cho khối 27 quốc gia, cho biết sẽ có phản ứng "cứng rắn và ngay lập tức" với việc ông Trump đe dọa tăng thuế quan.