EU sẽ làm gì với lợi nhuận từ tài sản Nga bị đóng băng?

Trong số 260 tỷ euro dự trữ ngoại hối của Nga bị phương Tây đóng băng vào năm 2022, có 191 tỷ euro đang nằm ở Euroclear - trung tâm thanh toán và lưu ký chứng khoán đặt tại Bỉ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ một kế hoạch cất riêng hàng tỷ euro lợi nhuận phát sinh từ khối tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Động thái này được xem là bước đi đầu tiên tới khả năng EU dùng số tiền này để tái thiết Ukraine.

Theo tờ Financial Times, quyết định trên đã nhận được sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên EU và sẽ được phê chuẩn chính thức trong vài tuần tới. Việc đưa ra quyết định như vậy thể hiện sự ủng hộ mà EU dành cho Ukraine trong bối cảnh sắp đến ngày tròn 2 năm cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Theo dự kiến, tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày thứ Năm tuần này, các nhà lãnh đạo EU sẽ ký phê chuẩn gói hỗ trợ tài chính 50 tỷ euro dành cho Kiev.

Trong số 260 tỷ euro dự trữ ngoại hối của Nga bị phương Tây đóng băng vào năm 2022, có 191 tỷ euro đang nằm ở Euroclear - trung tâm thanh toán và lưu ký chứng khoán đặt tại Bỉ - và sinh hàng tỷ euro lợi nhuận khi các chứng khoán này đáo hạn và được tái đầu tư.

Theo thỏa thuận mà EU đạt được vào ngày 29/1, số lợi nhuận trên sẽ được cất riêng và sẽ không được dùng để trả cổ tức cho cho tới khi các nước thành viên EU đi đến nhất trí dùng tiền này để hỗ trợ Ukraine. Tài liệu của EU mà Financial Times thu thập được nói rằng việc sử dụng số tiền sẽ phù hợp với luật pháp EU và quốc tế, đồng thời chưa đưa ra một mốc thời gian cụ thể.

Ngoài ra, các quốc gia EU sẽ quyết định trong số lợi nhuận phát sinh từ tài sản đóng băng của Nga, bao nhiều sẽ do trung tâm lưu ký nắm giữ, bao nhiêu dùng để trang trải các chi phí pháp lý và quản lý.

Đề xuất mà Ủy ban châu Âu (EU) đưa ra hôìn tháng 12 năm ngoài về xử lý tài sản bị đóng băng của Nga đã không đề cập đến việc thu giữ lợi nhuận phát sinh và chuyển số lợi nhuận đó vào ngân sách chung của EU, do mối lo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số thành viên chủ chốt của khối cho rằng hành động như vậy có thể dẫn tới bất ổn tài chính và nguy cơ Nga có động thái trả đũa.

Một nỗ lực khác do Mỹ dẫn đầu và nhận được sự ủng hộ của Anh, Nhật Bản và Canada về xung công hoàn toàn tài sản bị đóng băng của Nga, thay vì chỉ phần lợi nhuận phát sinh từ tài sản này, đang vấp phải sự phản đối của các nước châu Âu là thành viên nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), chủ yếu là Đức, Italy và Pháp.

Theo một bài báo hồi tháng 8 năm ngoái của Financial Times, bất kỳ động thái nào của phương Tây nhằm vào tài sản Nga đều có thể dẫn đến khả năng Moscow tịch thu thêm tài sản của phương Tây đang bị kẹt ở Nga. Trong năm 2023, Nga đã quốc hữu hóa chi nhánh tại Nga của ít nhất 4 công ty phương Tây. Bị ảnh hưởng là các công ty năng lượng Uniper và Fortum của Đức và Phần Lan, cũng như hãng sữa Danone của Pháp và hãng bia Carlsberg của Đan Mạch.

Hàng trăm công ty phương Tây đang chật vật xoay sở để có được thỏa thuận rút khỏi Nga hoặc phải chấp nhận từ bỏ tài sản ở nước này. Nhiều trong số đó vẫn tiếp tục làm ăn có lãi ở Nga, nhưng không thể chuyển được lợi nhuận ra khỏi Nga.

Cuối tháng 8/2023, CBR đưa ra một đề xuất hoán đổi tài sản mà trong đó Nga sẽ trao cho các nhà đầu tư phương Tây cơ hội để họ mua tài sản của các công ty Nga bị đóng băng ở phương Tây, bằng tiền của chính các công ty phương Tây đang kẹt trong các tài khoản bị hạn chế ở Nga. Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự hưởng ứng của của phương Tây.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/eu-se-lam-gi-voi-loi-nhuan-tu-tai-san-nga-bi-dong-bang.htm