EU sẽ ra kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ hậu COVID-19
Mục đích kế hoạch này là giúp các quốc gia bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể nhanh chóng phục hồi kinh tế và tránh bị chia rẽ do suy thoái.
Hãng tin Reuters cho biết trong ngày 27-5 (giờ GMT) Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố một kế hoạch kích thích lớn giúp nền kinh tế liên minh châu Âu (EU) phục hồi sau đại dịch COVID-19. Kế hoạch này sẽ kết hợp với các khoản tài trợ, khoản vay và các khoản bảo lãnh trị giá hơn 1.000 tỉ euro.
Theo Reuters, mục đích kế hoạch này nhằm giúp các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 có thể phục hồi nhanh chóng và bảo vệ thị trường EU khỏi nguy cơ bị chia rẽ do suy thoái kinh tế được dự đoán có thể xảy ra trong năm nay.
Reuters nói rằng điều này là cần thiết bởi vì các quốc gia như Ý, Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hiện đang phải gánh nợ cao và phụ thuộc nhiều vào du lịch, sẽ càng gặp khó khăn khi tái khởi động nền kinh tế so với các nước trong liên minh.
Ngoài ra, kế hoạch hỗ trợ sẽ cung cấp các khoản vay và các khoản đảm bảo để giảm rủi ro cho những khoản đầu tư khác nhau.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng sẽ đề xuất các loại thuế mới mà họ đã lên kế hoạch từ năm 2018. Theo đó chính phủ các nước thành viên sẽ nộp cho EU khoản thu thuế đối với nhựa và một số tiền từ chương trình ETS – chính sách của EU cho công tác chống biến đổi khí hậu.
Khu vực eurozone bị tác động lớn do COVID-19
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế khu vực đồng euro (eurozone) là rất lớn và có thể làm tăng các lỗ hổng tài chính tiềm ẩn của khu vực này, theo đài RT.
Theo báo cáo đánh giá ổn định tài chính tháng 5-2020 của ECB, việc chính phủ các nước phản ứng tài chính mạnh đối với COVID-19 có thể khiến khả năng trả nợ của họ bị ảnh hưởng và tạo ra nhiều mối đe dọa đối với các nước nếu họ rời khỏi khu vực đồng euro.
ECB ước tính nợ công của khu vực đồng euro sẽ tăng từ bảy đến 22 điểm phần trăm trong năm nay khi chính phủ các nước vay hàng trăm tỉ euro để hỗ trợ nền kinh tế của họ. Điều đó đã đẩy tổng tỷ lệ nợ trên GDP của khu vực từ 86% lên gần 103%.
Tuy nhiên, ECB nhấn mạnh rằng chi tiêu của chính phủ "cũng đã làm giảm tác động" và việc chi tiêu này sẽ "hỗ trợ phục hồi kinh tế".
Phó chủ tịch của ECB – ông Luis de Guindos nói với RT rằng: “Đại dịch COVID-19 đã gây ra một trong những "cơn co thắt kinh tế" mạnh nhất trong lịch sử, nhưng các biện pháp, chính sách trên phạm vi rộng đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính”.
Cơ quan giám sát ngân hàng ECB cũng đã ra khuyến nghị các ngân hàng trong khu vực tạm thời hạn chế "trả cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu, tăng cường năng lực để khỏi bị thua lỗ và tránh các tác động kéo theo".