EU siết chặt quản lý các công ty công nghệ
Ngày 23/4, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí nội dung Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm yêu cầu các công ty công nghệ lớn (Big Tech) gỡ bỏ những nội dung độc hại trên nền tảng trực tuyến. Đây là động thái mới nhất của EU nhằm kiểm soát tầm ảnh hưởng ngày một lan rộng của các Big Tech.
Theo TTXVN, thông báo trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định: "Thỏa thuận về DSA hôm nay là sự kiện lịch sử. Quy định mới của chúng ta sẽ bảo vệ người dùng trên mạng, bảo đảm các cơ hội kinh doanh. Những gì là bất hợp pháp trong đời thực cũng sẽ là bất hợp pháp trên không gian mạng tại EU".
Được soạn thảo từ năm 2020, DSA là phần thứ hai của một dự án lớn nhằm điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ, vốn được ra đời nhằm bảo đảm xử lý mạnh tay các nền tảng trực tuyến vi phạm quy định về nội dung đăng tải, như cho phép xuất hiện các nội dung bị cấm, những ngôn từ kích động thù địch hay tin giả... DSA sẽ cùng được áp dụng với Luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), văn kiện nhắm đến các thói quen phi cạnh tranh của các công ty công nghệ như Google và Facebook, vừa được hoàn tất hồi cuối tháng 3.
Các công ty công nghệ bị chỉ trích vì không giám sát nền tảng của mình. Vụ tấn công khủng bố ở New Zealand, được truyền trực tiếp trên Facebook năm 2019, đã gây rúng động toàn cầu và các vụ bạo loạn tại Mỹ năm ngoái cũng đã được kích động trên mạng internet. Mặt trái của mạng internet cũng bao gồm tình trạng các nền tảng thương mại điện tử bán nhiều hàng nhái hoặc hàng rởm.
Luật mới sẽ yêu cầu các nền tảng công nghệ nhanh chóng gỡ bỏ các nội dung bất hợp pháp ngay khi chúng tồn tại. Các mạng xã hội cũng sẽ phải chặn người dùng nào thường xuyên phạm luật. DSA sẽ buộc các trang thương mại điện tử phải xác minh danh tính nhà cung cấp trước khi rao bán các sản phẩm của mình. Ủy viên châu Âu về Thị trường nội địa Thierry Breton cho biết: "Với DSA, thời mà các nền tảng mạng lớn hành xử kiểu như họ "quá lớn để quan tâm đến" sắp kết thúc. Một cột mốc quan trọng đối với các công dân EU".
Dù có tin đồn rằng DSA áp dụng với mọi công ty, song thực tế luật này đưa ra các nghĩa vụ đặc biệt với các nền tảng rất lớn, tức là những công ty có hơn 45 triệu người dùng đang hoạt động tại EU. Danh sách các công ty chưa được công bố nhưng sẽ bao gồm các "gã khổng lồ" như Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft, cũng như Twitter và có thể cả TikTok, Zalando và Booking.com.
Các công ty sẽ phải đánh giá các nguy cơ liên quan đến việc sử dụng dịch vụ của mình và dỡ bỏ các nội dung bất hợp pháp. Họ cũng sẽ được yêu cầu phải minh bạch về dữ liệu và thuật toán. EC sẽ giám sát các cuộc kiểm toán hằng năm và có thể áp đặt mức phạt lên tới 6% doanh thu hằng năm của công ty vi phạm.