EU siết chặt quản lý các nền tảng trực tuyến
Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/4 quyết định áp đặt các quy tắc quản lý nội dung chặt chẽ hơn đối với 19 nền tảng trực tuyến, trong đó có Instagram, TikTok và Twitter.
Ảnh minh họa.
Các nền tảng trực tuyến này đều có hơn 45 triệu người dùng và thuộc nhóm đối tượng quản lý của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) do EU ban hành. Trước ngày 25/8 tới, 19 nền tảng trong danh sách phải trình lên Ủy ban châu Âu (EC) báo cáo đánh giá rủi ro hằng năm và phải tiến hành kiểm toán độc lập dưới sự giám sát của EC.
Các quy định trong DSA nhằm buộc các nền tảng thực hiện các mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, tăng cường tính minh bạch các dịch vụ kỹ thuật số, cấm bán trực tuyến hàng hóa không an toàn và cho phép người dùng có nhiều lựa chọn hơn khi tham gia môi trường trực tuyến. Ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU cho biết, hệ thống giám sát mới sẽ tạo ra một mạng lưới rộng và chặt chẽ, bao quát những điểm không tuân thủ quy định của các nền tảng, từ đó có hành động xử lý sai phạm.
Ngoài DSA, EU còn có Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) với các quy định nghiêm ngặt về những điều được phép và bị cấm trên các nền tảng do các công ty công nghệ quản lý, đồng thời cho phép EC thực hiện các cuộc điều tra thị trường và xử phạt các hành vi không tuân thủ Đạo luật. DMA hướng tới các công ty lớn cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi, như mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm.
Theo thông báo của Twitter, trong sáu tháng đầu năm 2022, Twitter đã yêu cầu người dùng gỡ hơn 6,5 triệu bài đăng, tăng 29% so mức trong giai đoạn sáu tháng trước đó. Theo định kỳ sáu tháng, Twitter cập nhật trên trang Trung tâm Minh bạch của công ty các thông tin như số tài khoản bị khóa hay số kiến nghị yêu cầu dỡ bỏ nội dung từ các chính phủ.
Twitter cho biết đã nhận được 53.000 kiến nghị pháp lý trong nửa đầu năm 2022. Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là những quốc gia có nhiều kiến nghị nhất.