EU siết quản lý các tập đoàn công nghệ

Ngày 23-4, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua nội dung Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số nhằm yêu cầu các tập đoàn công nghệ lớn gỡ bỏ những nội dung độc hại trên nền tảng trực tuyến.

Đây được xem là một thỏa thuận lịch sử khi lần đầu tiên, những hành vi bất hợp pháp trong đời thực cũng được coi là bất hợp pháp trên không gian mạng tại EU.

Chấm dứt lạm quyền

Thông báo trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, động thái mới nhất của EU nhằm kiểm soát tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của các tập đoàn công nghệ lớn. Đây là một cột mốc quan trọng đối với các công dân EU. Quy định mới sẽ bảo vệ người dùng trên mạng, đảm bảo các cơ hội kinh doanh. Theo đó, những hành vi bất hợp pháp trong đời thực cũng được coi là bất hợp pháp trên không gian mạng.

Được soạn thảo từ năm 2020, Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số là phần thứ hai của một dự án lớn nhằm điều chỉnh hoạt động của các công ty công nghệ. Qua đó đảm bảo xử lý mạnh tay các nền tảng trực tuyến vi phạm các quy định về nội dung đăng tải, như: cho phép xuất hiện các nội dung bị cấm, hình ảnh ấu dâm, những ngôn từ kích động thù địch hay tin giả...

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số sẽ yêu cầu các nền tảng công nghệ nhanh chóng gỡ bỏ các nội dụng bất hợp pháp. Các mạng xã hội sẽ phải chặn người dùng nào thường xuyên vi phạm luật. Buộc các trang thương mại điện tử phải xác minh danh tính nhà cung cấp trước khi rao bán các sản phẩm của mình để ngăn chặn các nền tảng thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái.

Nội dung trên các nền tảng công nghệ có tác động đến mọi khía cạnh của xã hội. Ảnh: Brussels Times

Nội dung trên các nền tảng công nghệ có tác động đến mọi khía cạnh của xã hội. Ảnh: Brussels Times

Danh sách các công ty chưa được công bố, nhưng sẽ bao gồm các “gã khổng lồ” như Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft, cũng như Twitter và có thể cả TikTok, Zalando và Booking.com, những công ty có hơn 45 triệu người dùng đang hoạt động tại EU. Các công ty cũng sẽ được yêu cầu phải minh bạch về dữ liệu và thuật toán. EC sẽ giám sát các cuộc kiểm toán hằng năm và có thể áp đặt mức phạt lên tới 6% doanh thu thường niên của công ty vi phạm.

Bước truyền cảm hứng

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số sẽ cùng được áp dụng với Luật Thị trường kỹ thuật số, nhắm đến các thói quen phi cạnh tranh của các tập đoàn công nghệ lớn vừa được thông qua hồi tháng 3. Nếu Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số được kỳ vọng giám sát chặt chẽ hơn nữa các nội dung có hại và bất hợp pháp trên các nền tảng mạng xã hội, thì Luật Thị trường kỹ thuật số nêu ra một danh sách những điều được phép và không được phép thực hiện đối với các công ty công nghệ lớn, trong đó có thể bao gồm một lệnh cấm việc mua lại một số công ty nhất định.

EU thúc đẩy việc thông qua Luật Thị trường kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số nhằm buộc các công ty công nghệ lớn nhất thế giới phải điều chỉnh phương thức kinh doanh, đồng thời hy vọng rằng bước tiến này có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia khác, vì những quyết định của các tập đoàn công nghệ có tác động đến mọi khía cạnh của xã hội do đó sẽ tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt nhất của luật pháp.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 21-4, phát biểu tại một sự kiện của Trung tâm Chính sách mạng Stanford, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi tăng cường siết chặt quản lý các công ty công nghệ. Ông ủng hộ việc sửa đổi Mục 230 trong Luật về Chuẩn mực truyền thông của Mỹ, vốn được ví như “lá chắn” bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những nội dung mà người dùng chia sẻ. Tuy nhiên, Mỹ đã không thể đi đầu để trở thành “gương tốt” trong việc kiểm soát hành vi lạm quyền của các tập đoàn công nghệ lớn sau khi EU thông qua đạo luật trên.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//eu-siet-quan-ly-cac-tap-doan-cong-nghe-808529.html