EU tăng kết nối đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp từ nhiều nước thành viên EU đã tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để khai thác thị trường Việt Nam.
.
Kích thích dòng chảy thương mại, đầu tư
Trái ngược với sự sụt giảm nhập khẩu hàng hóa từ một số thị trường lớn như Hàn Quốc, ASEAN (Hàn Quốc đạt 28,7 tỷ USD, giảm 8,3%; ASEAN đạt 19,4 tỷ USD, giảm 9,2%), hàng hóa từ EU vẫn gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng qua, với kim ngạch 9,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Không đơn thuần là các con số về giao dịch thương mại, từ ngày 1/8, EVFTA đi vào thực thi đã kích thích các dòng chảy thương mại, đầu tư. Các doanh nghiệp EU tận dụng điểm cộng từ FTA này để gia tăng lợi ích về kinh tế.
Covid-19 kéo dài đã gây cản trở các chuyến đi của doanh nghiệp EU tới Việt Nam. Không ngồi chờ hết dịch, những hoạt động kết nối đầu tư, thương mại vẫn được diễn ra bằng nhiều cách. Ngay trong tuần đầu tháng 9 này, khoảng 100 doanh nghiệp Hà Lan đã có hoạt động kết nối đầu tư, thương mại trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Joost Vrancken Peeters, Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan - Việt Nam (NVCC) đánh giá, Hà Lan coi trọng thị trường Việt Nam, thể hiện qua số vốn mà doanh nghiệp nước này mang đến Việt Nam trong những năm qua. Để khai thác tốt nhất EVFTA, Hà Lan đã có hẳn nghiên cứu về các nhu cầu chuyển dịch đầu tư và đa dạng hóa nguồn cung ứng; nhận định về các động lực và trở ngại chính của doanh nghiệp Hà Lan khi đầu tư vào Việt Nam để tìm cách khắc phục, nhằm khơi thông hoạt động đầu tư.
Trong số 28 quốc gia thành viên EU có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Hà Lan luôn dẫn đầu về số vốn đăng ký. Cụ thể, hết năm 2019, Hà Lan có 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam.
Hà Lan cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Việt Nam, với thương mại song phương năm 2018 đạt 7,8 tỷ USD (sau Đức).
Một thành viên EU khác, vốn có quan hệ thương mại, đầu tư khiêm tốn với Việt Nam là Bulgaria cũng tìm cách để vào Việt Nam mạnh mẽ hơn nhờ các cam kết trong EVFTA.
Bà Yana Topalova, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Bulgaria cho biết, đối với Bulgaria, thương mại với Việt Nam hết sức quan trọng vì Việt Nam đang tăng đáng kể sức ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới.
“Doanh nghiệp Bulgaria muốn khai thác EVFTA để xây dựng mối quan hệ thương mại bền vững từ việc tạo chuỗi giá trị. Bộ Kinh tế và Chính phủ Bulgaria sẽ tiếp tục dành những ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và giao thương với Bulgaria”, bà Yana Topalova khẳng định.
Cầu nối sang ASEAN
Không chỉ đơn thuần là khai thác thị trường Việt Nam với những cơ hội mở ra về thúc đẩy đầu tư, tăng trao đổi thương mại nhờ EVFTA, mà nhiều doanh nghiệp EU còn coi Việt Nam là địa điểm kết nối đầu tư sang khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ đơn thuần là khai thác thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp EU còn coi Việt Nam là địa điểm kết nối đầu tư sang khu vực Đông Nam Á.
Theo các chuyên gia, với quy mô và tiềm năng phát triển của các nước EU và việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, những lĩnh vực mà doanh nghiệp EU đặc biệt chú trọng khi có EVFTA là đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; khơi thông các dự án đầu tư và Việt Nam còn có vai trò cầu nối để doanh nghiệp EU hiện thực hóa các hoạt động kinh doanh, thương mại với các đối tác trong ASEAN.
Về lâu dài, xu hướng gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU chắc chắn vẫn tiếp diễn, vì một khi thị trường được mở cửa, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam, kéo theo doanh nghiệp từ nước thứ ba đầu tư vào Việt Nam.
Nếu quyết định rót vốn chưa thể triển khai ngay do dịch bệnh vẫn đang cản trở đi lại, thì thúc đẩy thương mại không bị gián đoạn. Ngay lúc này, đã có danh sách những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Pháp, Bỉ, Ba Lan… đang hoàn tất các thủ tục để vào thị trường Việt Nam, dẫu lộ trình giảm thuế với một số mặt hàng lên tới 10 năm.
Theo cam kết trong EVFTA, Việt Nam xóa bỏ thuế quan ngay với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Nhiều hiệp hội ngành hàng tại các quốc gia châu Âu đang có những hoạt động hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm thủ tục, được cấp phép xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, tận dụng ưu đãi với những mặt hàng có lộ trình giảm thuế sớm.
Trong mảng nông nghiệp, doanh nghiệp EU đang tập trung bán các loại nông sản, thịt bò, ngũ cốc, là những mặt hàng thị trường Việt Nam có nhu cầu cao.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/eu-tang-ket-noi-dau-tu-voi-doanh-nghiep-viet-nam-d129735.html