EU thảo luận về quỹ cho Ukraine thuê các loại vũ khí đắt tiền

Các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào tuần này để thảo luận về việc xây dựng một cơ chế mua sắm và cho thuê quốc phòng mới, có thể mở rộng sang Ukraine, theo thông hãng tin Reuters.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Ludivine Dedonder (trái) cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiểm tra máy bay chiến đấu F-16 tại căn cứ quân sự Melsbroek (Bỉ), ngày 28/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Ludivine Dedonder (trái) cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiểm tra máy bay chiến đấu F-16 tại căn cứ quân sự Melsbroek (Bỉ), ngày 28/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguồn tin cho biết Brussels dự kiến sẽ thành lập Cơ chế Phòng thủ châu Âu (EDM) theo một phần của sáng kiến quân sự hóa trị giá hàng tỷ USD. Trong một cuộc họp không chính thức diễn ra tại Warsaw vào ngày 6/4, các bộ trưởng đã xem xét một tài liệu do nhóm nghiên cứu Bruegel soạn thảo, mô tả chi tiết các hoạt động của EDM.

Cơ chế này sẽ là một quỹ liên chính phủ, có khả năng vay vốn để mua các hệ thống vũ khí đắt tiền để cho các lực lượng quân sự thuê. EDM cũng có thể mở rộng đối tượng tham gia sang các quốc gia ngoài EU như Vương quốc Anh, Na Uy và Ukraine.

Một trong những điểm quan trọng của EDM là việc duy trì các hệ thống vũ khí đắt đỏ như máy bay chiến đấu hiện đại và vệ tinh quân sự trong bảng cân đối tài chính, giúp các thành viên EU sử dụng tài sản này mà không vi phạm các quy định về nợ quốc gia. Các quốc gia nằm ở “tiền tuyến” gần Nga sẽ được hưởng mức giá thuê ưu đãi, được trợ cấp từ một quỹ tín thác chuyên dụng.

Các nhà lãnh đạo EU đã cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, bất chấp sự thay đổi chính sách của Washington, khi Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, một số quốc gia trong EU, bao gồm Hungary và Slovakia, đã chỉ trích cách tiếp cận của Brussels, cho rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể làm tổn hại nền kinh tế EU và làm gia tăng căng thẳng. Hungary đã tận dụng quyền phủ quyết để yêu cầu các nhượng bộ từ Ủy ban châu Âu trong các quyết định quan trọng liên quan đến Ukraine.

Brussels đặt mục tiêu vay tối đa 880 tỷ USD trong vòng bốn năm để chi cho các hoạt động quân sự, với lý do cần có nguồn lực này để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga. Tuy nhiên, Moskva đã phủ nhận mọi ý định gây hấn và cho rằng cuộc chiến ở Ukraine thực chất là một cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây, được thúc đẩy bởi sự mở rộng của NATO.

Tháng 4 năm ngoái, ông Josep Borrell, khi đó là Giám đốc Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU, đã nhấn mạnh mục tiêu của EDM là giảm bớt sự phân mảnh trong chi tiêu quân sự của EU, thông qua việc thiết lập một hệ thống mua sắm chung, tương tự như mô hình của Lầu Năm Góc. Ông lập luận rằng hiện nay, các quốc gia EU thường tự thực hiện mua sắm quân sự mà không phối hợp, trong khi các bang ở Hoa Kỳ không nghi ngờ lẫn nhau khi nhắc đến nơi sản xuất vũ khí.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/eu-thao-luan-ve-quy-cho-ukraine-thue-cac-loai-vu-khi-dat-tien-20250407182930855.htm