EU thống nhất mức giá trần khí đốt sẽ áp dụng từ giữa tháng 2 tới

Nhân viên làm việc tại trạm nén khí đốt ở Ihtiman, Bungaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 19/12, một phát ngôn viên của Cộng hòa Czech cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh (megawatt giờ), áp dụng từ giữa tháng 2 năm tới.

Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tuần đàm phán về biện pháp khẩn cấp này, vốn gây chia rẽ trong toàn khối khi EU tìm cách chế ngự cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trước đó, báo chí đưa tin Cộng hòa Czech, nước đương giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU đã đề xuất với các nước EU khác giảm mức trần giá khí đốt đề xuất từ 275 euro/MWh xuống còn 188 euro/MWh.

Sau khi biết tin, Điện Kremlin cùng ngày đã tuyên bố mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên 180 euro/MWh mà Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sau nhiều tháng tranh cãi là "không thể chấp nhận được". Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, khẳng định: "Đây là sự vi phạm quy luật thị trường quyết định giá cả… bất kỳ sự đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được”.

Trước đó, cùng ngày 19/12, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này sẽ không cần thông báo hay tham vấn Ủy ban châu Âu (EC) nếu muốn điều chỉnh hợp đồng dài hạn mua khí đốt của Nga trong trường hợp các nước EU thông qua mức giá trần khí đốt.

Tuần trước, ông Szijjarto cho biết nếu mức giá trần khí đốt được thông qua, Hungary sẽ cần điều chỉnh thỏa thuận trên với Nga. Ông đã thảo luận vấn đề này với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 12/12. Tháng 9/2021, Hungary ký 2 hợp đồng dài hạn với tập đoàn Gazprom (Nga) để mua tổng cộng 4,5 tỉ m3 nhiên liệu mỗi năm thông qua các đường ống dẫn qua Bulgaria và Serbia. Thỏa thuận có hiệu lực trong 15 năm và có thể được xem xét lại 10 năm sau khi thực hiện.

Trong diễn biến khác, nhiệt độ băng giá trong những tuần qua đã buộc Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức phải nâng mức tiêu thụ khí đốt quốc gia từ “căng thẳng” lên “nguy cấp”, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt của Đức bị cắt giảm liên quan cuộc xung đột Nga - Ukaine, buộc nước này phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và theo dõi chặt chẽ hơn nguồn cung cho mùa đông.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, mặc dù các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã đạt 100% công suất chứa từ đầu mùa đông, nhưng thời tiết giá lạnh bất thường trong tháng 12 đang đe dọa mục tiêu tiết kiệm 20% lượng tiêu thụ so với những năm trước.

Tuần trước, nhiệt độ trung bình trong cả nước lạnh hơn 2,7 độ C so với cùng thời điểm những năm trước đó, khiến việc sử dụng khí đốt tăng đột biến và tiết kiệm năng lượng chỉ đạt 12% so với mục tiêu đặt ra. Vì vậy, trong Kế hoạch Khẩn cấp về khí đốt, Cơ quan Mạng lưới liên bang đã nâng mức tiêu thụ khí đốt từ “căng thẳng” lên “nguy cấp”. Tiêu thụ khí đốt là một trong 5 chỉ số được cơ quan này sử dụng để theo dõi tình hình năng lượng.

Trước đó, theo số liệu của Cơ quan Dự báo thời tiết Đức (DWD), tháng 9 tương đối mát mẻ, trong khi tháng 10 và tháng 11 ấm hơn mức trung bình, điều này giúp các cơ sở dự trữ khí đốt đạt 100% công suất chứa trước thời hạn.

Tuy nhiên, với nền nhiệt trung bình trong tháng 12 là -1,4 độ C, Đức đang trải qua mùa Đông lạnh nhất kể từ năm 2010 so với mức trung bình dài hạn. Dự báo, trong những ngày tới, nhiệt độ sẽ tăng trở lại trên khắp cả nước và đến cuối tuần, với nền nhiệt trung bình từ 12-15 độ C.

Trung tâm Truyền thông Khoa học (SMC) cho rằng Đức có thể vượt qua mùa đông nếu đạt mục tiêu tiết kiệm 20% khí đốt, lượng nhập khẩu không giảm quá nhiều và mùa đông cũng không trở nên quá lạnh. Theo dự báo đầu tiên và có phần bi quan, kho dự trữ khí đốt của Đức có thể rỗng vào đầu tháng 3/2023, nếu mức tiêu thụ giống mức trung bình ghi nhận trong giai đoạn 2018-2021 và Đức trải qua một mùa đông lạnh giá.

Các tính toán chỉ ra rằng chỉ khi nhiệt độ vừa phải trong mùa đông và dự trữ khí đốt vẫn được duy trì, Đức mới có thể vượt qua mùa đông mà không phải tiết kiệm. Trong kịch bản thứ hai, Đức có cơ hội tốt hơn để vượt qua mùa đông mà không bị thiếu năng lượng, nếu khí đốt tiêu thụ ít hơn 10% so với những năm trước.

Nhưng cũng với điều kiện tiên quyết là mùa đông không quá lạnh và tỉ lệ khí đốt nhập khẩu so với xuất khẩu vẫn gần như trong những tháng gần đây. Trong kịch bản thứ ba, Đức sẽ trải qua mùa đông không bị thiếu khí đốt, ngay cả khi mùa đông lạnh giá và lượng khí đốt được sử dụng ít hơn 20% so với những năm trước.

Nếu Đức rơi vào tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng, Bộ Kinh tế có thể tuyên bố một cuộc khủng hoảng ở cấp độ “khẩn cấp”.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/291533/eu-thong-nhat-muc-gia-tran-khi-dot-se-ap-dung-tu-giua-thang-2-toi.html